Trung tâm Quản lý Vòng đời Không quân Mỹ (AFLCMC) ngày 7/7 đăng thông báo mời thầu cho dự án liên quan đến bom xuyên hầm GBU-57 MOP, trong đó đề cập quá trình "tích hợp và chỉnh sửa phần mềm cho bộ dẫn đường ở đuôi KMU-612, cũng như ngòi nổ cho thân bom BLU-127".
KMU-612/B là phần đuôi bom GBU-57, chứa hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh. BLU-127 là đầu đạn xuyên phá hầm ngầm, khi kết hợp với bộ KMU-612/B và một số thành phần khác sẽ tạo thành quả bom GBU-57 hoàn chỉnh.
AFLCMC không nêu cụ thể các bộ phận này sẽ được nâng cấp thế nào. Một trong những hạn chế của bom GBU-57 là không có ngòi nhận biết khoảng không, khiến nó chỉ được kích nổ sau khi dừng hẳn. Điều này có thể khiến quả bom lao thẳng qua mục tiêu và kích hoạt ở sâu trong lòng đất, thay vì phát nổ trong khu vực hầm ngầm và gây thiệt hại tối đa.
Công nghệ tương tự đã được Đức ứng dụng với tên lửa hành trình Taurus, trong đó Ngòi nổ Đa nhiệm Thông minh Lập trình (PIMPF) có khả năng xác định vật thể gồm bao nhiêu lớp vật liệu và khoảng trống giữa các lớp, từ đó tính toán thời điểm phát nổ để tập kích hiệu quả mục tiêu.
"Ngòi nổ có thể đếm chính xác số lớp vật liệu nhằm xác định độ sâu gây sát thương tối đa sẽ là tính năng hữu ích", cây viết Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone cho hay.
Trong cuộc họp báo hôm 26/6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dan Caine tuyên bố ngòi nổ của 12 quả bom GBU-57 mà Mỹ thả vào "pháo đài hạt nhân" Fordow của Iran đều được lập trình riêng, nhằm giúp chúng đạt được hiệu ứng sát thương khác nhau bên trong mục tiêu.
GBU-57 MOP có chiều dài 6 m, đường kính thân 0,8 m và khối lượng gần 14 tấn, là bom phi hạt nhân nặng nhất và có kích thước lớn thứ hai trong kho vũ khí của Mỹ.
Không quân Mỹ từng tuyên bố GBU-57 có thể xuyên qua lớp vật liệu sâu tới 60 m trước khi phát nổ, nhưng không nêu rõ vật liệu này là gì. Các nhà phân tích tại tạp chí quốc phòng IHS Janes có trụ sở tại Anh nhận định nó xuyên được lớp đất dày 60 m hoặc bê tông dày 18 m.
![]() |
Mô hình huấn luyện của bom GBU-57 tại căn cứ không quân Whiteman hồi năm 2023. Ảnh: USAF |
Vụ tập kích các cơ sở hạt nhân Iran rạng sáng 22/6 là lần đầu tiên bom GBU-57 được sử dụng trong thực chiến. Lầu Năm Góc tuyên bố chiến dịch đã "thành công vang dội", nhưng kết quả thực sự của cuộc tấn công vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
Trong đánh giá công khai gần đây nhất, quân đội Mỹ nhận định đòn đánh khiến chương trình hạt nhân của Iran đi lùi 1-2 năm. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng Tehran có thể nối lại hoạt động làm giàu uranium trong vòng vài tháng, thậm chí sớm hơn.
"Mọi cải tiến đối với hệ thống ngòi nổ của GBU-57, cũng như các khía cạnh khác của bom, đều được hưởng lợi từ bài học kinh nghiệm rút ra sau chiến dịch tập kích các cơ sở hạt nhân Iran", Trevithick cho hay.
Không quân Mỹ không công bố số lượng bom GBU-57 trong kho, song dường như họ sở hữu ít nhất 20 quả trước khi tiến hành chiến dịch không kích Iran. Tư lệnh không quân Mỹ David Allvin hôm 26/6 tuyên bố lực lượng này đang mở rộng kho dự trữ bom GBU-57.
Phạm Giang (Theo War Zone)