Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/4 chủ trì lễ hạ thủy chiến hạm đa nhiệm lớp Choe Hyon với lượng giãn nước 5.000 tấn, lớn nhất lịch sử nước này. Giới chức Triều Tiên gọi đây là tàu khu trục, trong khi các chuyên gia phương Tây đánh giá nó là tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng với lượng giãn nước không thua kém các mẫu chiến hạm tối tân ở châu Âu.
"Tàu khu trục đa nhiệm có lượng giãn nước 5.000 tấn, trang bị những vũ khí mạnh nhất và được chế tạo trong khoảng 400 ngày hoàn toàn bằng sức mạnh và công nghệ nội địa", ông Jo Chun-ryong, bí thư đảng Lao động Triều Tiên, phát biểu tại sự kiện.
![]() |
Chiến hạm lớp Choe Hyon tại lễ hạ thủy ở xưởng đóng tàu Nampo hôm 25/4. Ảnh: KCNA |
Các chuyên gia phương Tây từng ước tính chiến hạm này có thể mang khoảng 50 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS), dựa trên hình ảnh các chuyến thị sát của ông Kim Jong-un và ảnh vệ tinh thương mại. Tuy nhiên, cấu hình vũ khí đầy đủ của nó chỉ được xác nhận trong các bức ảnh chụp tại lễ hạ thủy.
Tổng cộng con tàu có 74 ống VLS, đặt trong hai cụm bệ phóng ở trước và sau thượng tầng. "Đây là con số rất đáng chú ý với những chiến hạm cỡ này, đặc biệt là khi nó sở hữu một số ống phóng rất lớn", biên tập viên Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Để so sánh, hộ vệ hạm lớp Constellation đang được Mỹ phát triển chỉ có 32 ống phóng Mark 41, còn tàu khu trục lớp Arleigh Burke có lượng giãn nước hơn 9.000 tấn được trang bị 90-96 ống.
"Số lượng này tương đương cả hạm đội tàu mặt nước trong biên chế của họ hiện nay", Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại Mỹ, nhận xét về tàu chiến lớp Choe Hyon.
Chiến hạm Triều Tiên sử dụng nhiều loại ống phóng khác nhau, gồm 32 ống cỡ nhỏ, 12 cỡ trung, 20 ống cỡ lớn và 10 ống rất lớn. Thiết kế này phức tạp hơn nhiều so với một loại ống phóng thống nhất như Mark 41 của Mỹ, nhưng có thể giúp tối ưu hóa số lượng và chủng loại tên lửa mang theo.
"Nhiều khả năng ống cỡ lớn được dùng để phóng tên lửa hành trình, còn ống rất lớn dành cho tên lửa đạn đạo", Rogoway nêu quan điểm.
Bình Nhưỡng có rất nhiều tên lửa đạn đạo trong biên chế, một số loại như dòng Hwasong-11 có thể nằm gọn trong cụm VLS cỡ rất lớn của tàu chiến lớp Choe Hyon, cho phép nó tấn công mục tiêu ở khoảng cách tới 900 km.
"Triển khai tên lửa đạn đạo tấn công mặt đất và diệt hạm trên tàu mặt nước là xu hướng mới nổi. Hàn Quốc cũng đang áp dụng phương án tương tự trên các chiếm hạm tối tân của họ", Rogoway cho hay.
![]() |
Tàu khu trục Triều Tiên sau khi hạ thủy ngày 26/4. Ảnh: KCNA |
Các VLS nhỏ hơn được dùng để khai hỏa tên lửa phòng không, nhưng chưa rõ chỉ có đạn tầm xa hay mỗi ống có thể chứa nhiều quả đạn tầm ngắn và trung. Trên chiến hạm Mỹ, mỗi ống phóng Mark 41 có thể chứa một tên lửa tầm xa hoặc 4 quả đạn phòng không tầm trung RIM-162 ESSM.
Ở mũi tàu là hải pháo có cỡ nòng 127 mm, đặt trong vỏ bảo vệ với thiết kế góc cạnh nhằm giảm độ phản xạ radar. Nằm sau cấu trúc thượng tầng là tổ hợp pháo - tên lửa phòng không có hình dạng rất giống hệ thống Pantsir-ME do Nga phát triển. Chưa rõ đây là khí tài được Nga cung cấp hay Triều Tiên tự phát triển.
Hai bên sườn tàu còn được bố trí bệ pháo phòng thủ cực gần AK-630M, mỗi khẩu gồm 6 nòng cỡ 30 mm, có khả năng ứng phó mối đe dọa trên không và trên biển ở khoảng cách 4-5 km. Ở khu vực này còn có hai hệ thống phóng mồi bẫy, cùng các cụm bệ 4 ống được cho là dùng để phóng máy bay không người lái (UAV) tự sát, tên lửa tầm ngắn hoặc vũ khí chống ngầm.
Một cấu trúc dạng hộp kín được đặt ở giữa tàu, có thể là nơi chứa tên lửa diệt hạm. Nó có hình dạng khá giống cấu trúc che bệ phóng nghiêng trên hộ vệ hạm lớp Amnok mới của Triều Tiên. Nước này từng phóng thử tên lửa hành trình Hwasal-2 với tầm bay 2.000 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ hộ vệ hạm lớp Amnok.
Vỏ ngoài chiến hạm có dạng nghiêng và nhiều góc cạnh, phủ kín những khu vực bên trong và liền mạch với thân tàu, cho thấy nó ứng dụng thiết kế tàng hình và giảm diện tích phản xạ radar. Cảm biến chủ lực của tàu là 4 đài radar mảng pha quét điện tử ở cột buồm bên trên thượng tầng, nhằm bảo đảm khả năng liên tục theo dõi khu vực 360 độ xung quanh.
Ở đuôi tàu có sàn đáp trực thăng, song không có nhà chứa phi cơ vì không gian được dành cho cụm VLS.
![]() |
Tàu chiến Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình Hwasal-2 tháng 8/2023. Ảnh: KCNA |
Rogoway cho rằng tàu chiến lớp Choe Hyon sở hữu dàn hỏa lực đáng gờm, sẽ là bệ phóng hiệu quả để khai hỏa lượng lớn tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nó trở thành mục tiêu hàng đầu của liên quân Mỹ - Hàn nếu xung đột bùng phát.
Chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên khó lòng chế tạo đủ số lượng tàu lớp Choe Hyon để gây khó khăn cho đối phương. "Khả năng phòng không của nó vẫn là dấu hỏi. Kể cả khi Triều Tiên chế tạo được nhiều tàu chiến loại này, chúng vẫn sẽ bị theo dõi và đánh chìm nhanh chóng trong giai đoạn đầu xung đột", Rogoway cho hay.
Dù vậy, dàn vũ khí dày đặc của chiến hạm Triều Tiên có thể giúp nó cầm cự đủ lâu để phóng hết cơ số tên lửa tấn công mặt đất.
"Nhiều khả năng Triều Tiên đã ưu tiên năng lực trả đũa hạt nhân khi phát triển lớp Choe Hyon. Xu hướng này thể hiện trong nhiều dự án vũ khí mới của Bình Nhưỡng. Lực lượng hạt nhân của họ rất hạn chế, nhưng vẫn đủ sức tung đòn tấn công chiến lược vào lãnh thổ đối phương. Đây là một phương án răn đe hiệu quả, khiến Mỹ và đồng minh phải dè chừng", Rogoway nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo War Zone, KCNA)