Quan hệ giữa New Delhi và Islamabad gần đây leo thang đáng kể, sau khi nhóm Kháng chiến Kashmir (TRF) có liên hệ với tổ chức vũ trang Lashkar-e-Taiba ở Pakistan ngày 22/4 xả súng vào khu nghỉ dưỡng thuộc vùng Jammu và Kashmir, miền bắc Ấn Độ. Thảm kịch khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 25 công dân Ấn Độ.
Cảnh sát Ấn Độ nói hai trong số ba tay súng đang lẩn trốn là người Pakistan và tuyên bố sẽ truy lùng đến cùng cũng như trừng phạt "bên hỗ trợ những kẻ khủng bố", ám chỉ Pakistan. Pakistan bác bỏ cáo buộc, gọi những lời quy kết từ Ấn Độ là "không có cơ sở" và tuyên bố sẽ đáp trả mọi hành động của nước này.
Ấn Độ ngày 23/4 thông báo loạt động thái ngoại giao quyết liệt nhằm vào Pakistan, trong đó có lập tức đình chỉ Hiệp ước Nước sông Indus (IWT) năm 1960 về chia sẻ nguồn nước từ các phụ lưu của dãy Himalaya, cho đến khi Islamabad "ngừng hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới một cách đáng tin cậy và không thể đảo ngược".
Pakistan ngày 24/4 cảnh báo sẽ coi mọi nỗ lực nhằm tác động đến dòng chảy sông Indus là "hành động tuyên chiến", sẽ đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh của quốc gia trên mọi phương diện".
Căng thẳng tăng nhiệt sau khi quân đội hai bên đấu súng tại khu vực tranh chấp Kashmir trong đêm 24/4. Hiện chưa rõ lý do dẫn đến vụ đấu súng này.
![]() |
Ngư dân thả lưới trên sông Indus ở Hyderabad, Pakistan ngày 15/3. Ảnh: Reuters |
Indus là một trong những con sông dài nhất châu Á, chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan trước khi đổ ra Biển Arab. 5 phụ lưu của sông Indus gồm Ravi, Sutlej, Beas, Chenab và Jhelum cũng chạy qua Ấn Độ trước khi hợp dòng.
Các sông góp phần hình thành vùng đồng bằng Indus màu mỡ nằm giữa 4 nước Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, trong đó phần lớn ở lãnh thổ Pakistan.
Do đó, quản lý nguồn nước là vấn đề quan trọng với cả Ấn Độ và Pakistan. Sau khi thực dân Anh trao trả độc lập cho hai nước tháng 8/1947, hai bên ký thỏa thuận cho phép nguồn nước tiếp tục chảy qua biên giới vào Pakistan.
Khi thỏa thuận hết hiệu lực năm 1948, Ấn Độ đã chặn dòng chảy, buộc Pakistan phải đàm phán khẩn cấp về chia sẻ nguồn nước. Hai bên mất nhiều năm thương lượng, trước khi ký hiệp ước IWT vào tháng 9/1960, với Ngân hàng Thế giới (WB) là trung gian. IWT quy định các quyền và nghĩa vụ của Ấn Độ và Pakistan để "sử dụng bình đẳng" nguồn nước trong hệ thống sông Indus.
Theo IWT, Ấn Độ được sử dụng không hạn chế nguồn nước từ các phụ lưu phía đông gồm Ravi, Sutlej và Beas. Hai trong số ba sông này hợp dòng trước khi chảy sang Pakistan.
Pakistan kiểm soát Indus, Chenab và Jhelum, còn gọi là các sông phía tây, chảy qua khu vực Ấn Độ kiểm soát, nhưng chủ yếu nằm ở phía Pakistan. Ấn Độ có nghĩa vụ để ba sông này chảy tự do sang Pakistan và Islamabad được sử dụng không hạn chế nguồn nước từ chúng.
![]() |
Hệ thống sông Indus từ Trung Quốc, qua Ấn Độ và Pakistan. Đồ họa: The Quint |
Suốt hàng chục năm, IWT được ca ngợi là hiệp ước mang tính biểu tượng, hình mẫu giải quyết các tranh chấp nguồn nước trên thế giới. Nhưng trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã một số lần sử dụng IWT để gây sức ép với Pakistan khi hai bên căng thẳng.
Ấn Độ và Pakistan lâu nay cáo buộc nhau ủng hộ các lực lượng chống đối nhằm gây bất ổn cho bên còn lại.
Năm 2016, một doanh trại quân đội Ấn Độ ở thị trấn Uri, Kashmir bị tấn công khiến 19 binh sĩ thiệt mạng, trong sự việc được mô tả là "đẫm máu nhất với lực lượng an ninh ở Kashmir trong hai thập kỷ". Ấn Độ cáo buộc thủ phạm thực hiện vụ tấn công là các tay súng hoạt động ở Pakistan. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo cơ quan giám sát IWT rằng "máu và nước không thể chung dòng chảy".
Năm 2019, giới chức Ấn Độ dọa nắn dòng các sông phía đông ra khỏi Pakistan, sau vụ đánh bom tự sát khiến hàng chục binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ở Kashmir. Tuy nhiên, New Delhi sau đó không thực hiện lời đe dọa.
Giới phân tích Pakistan cảnh báo cuộc đối đầu lần này nguy cơ căng thẳng hơn và tình hình khu vực có thể không nhanh chóng xuống thang như trước.
"Trật tự thế giới đã rạn nứt và phản ứng của truyền thông Ấn Độ khiến Thủ tướng Narendra Modi khó hành động hợp lý. Hai nước sẽ lưỡng bại câu thương nếu Ấn Độ không dừng hành động này lại", Murtaza Solangi, cựu bộ trưởng thông tin lâm thời Pakistan, nói.
Asfandyar Mir, chuyên gia an ninh tại Mỹ, cảnh báo thiếu vắng kênh ngoại giao để đàm phán giữa hai nước đã khiến tình nguy hiểm hơn. "Các cuộc khủng hoảng ở Nam Á trong lịch sử thường được tháo ngòi bằng những kênh liên lạc bí mật. Cơ chế này đang thiếu vắng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng nghĩa nguy cơ có tính toán sai lầm gia tăng", ông Mir nói.
![]() |
Biên phòng Ấn Độ đứng gác tại cửa khẩu Wagah với Pakistan ngày 24/4. Ảnh: AFP |
Nếu Ấn Độ nhắm đến IWT, Pakistan sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo. Quốc gia này đang trong tình trạng khô hạn và thiếu nước, phần nào do thời tiết cực đoan. Hồi tháng 3, cơ quan quản lý nguồn nước Pakistan cảnh báo hai tỉnh nông nghiệp quan trọng là Punjab và Sindh có thể thiếu tới 35% nhu cầu nước vào cuối vụ hiện tại.
Mùa mưa cũng tạo ra rủi ro cho Pakistan, bởi Ấn Độ có thể xả bớt nước từ các sông phía đông mà không báo trước, nguy cơ gây ngập lụt, Naseer Memon, nhà phân tích chính sách nguồn nước tại Islamabad, cảnh báo. Nếu Ấn Độ không chia sẻ dữ liệu thủy văn, sự khó lường của thời tiết có thể khiến nông dân Pakistan chịu tổn thất.
Pakistan từng cáo buộc Ấn Độ cố tình kiểm soát dòng chảy bằng việc xây dựng các đập nước ở thượng nguồn, nhưng New Delhi bác bỏ. Islamabad đã yêu cầu chuyên gia trung lập và tòa án can thiệp vào hai dự án thủy điện gần đây của New Delhi.
Ghasharib Shaokat, trưởng bộ phận nông sản tại cơ quan tư vấn Pakistan Agriculture Research, mô tả IWT là "xương sống" của nông nghiệp nước này.
"Các diễn biến đang tạo ra tương lai bấp bênh cho ngành nông nghiệp Pakistan. Nếu dòng chảy không đều, toàn bộ hệ thống sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là những cây trồng phụ thuộc vào thủy lợi", Shaokat nói với Reuters. "Năng suất giảm, chi phí tăng, dẫn đến giá thực phẩm tăng. Những nông dân quy mô nhỏ, vốn có biên lợi nhuận thấp, sẽ chịu thiệt hại đáng kể".
Khalid Hussain Baath, chủ tịch liên đoàn nông dân quốc gia Pakistan, chỉ trích việc Ấn Độ tuyên bố rút khỏi IWT. "Đây là một cuộc chiến thực sự", Baath nói. "Chúng tôi vốn đã thiếu nước vì biến đổi khí hậu. Lượng mưa năm nay thấp và tuyết tan ít khiến mực nước sông đang thấp hơn 20-25% so với năm ngoái".
Như Tâm (Theo Reuters, Al Jazeera, BBC)