![]() |
Hàng nghìn tín đồ Công giáo ngày 27/4 đổ về Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả tại Rome để viếng phần mộ Giáo hoàng Francis, một ngày sau tang lễ ở Vương cung Thánh đường Thánh Peter và lễ đưa linh cữu đến nơi an nghỉ cuối cùng với khoảng 400.000 người tham dự, theo ước tính từ Vatican. |
![]() |
Đoàn người xếp hàng dài xung quanh Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả và các tuyến phố xung quanh, vừa đi vừa làm dấu thánh giá hoặc ghi lại khoảnh khắc bằng điện thoại. Các nhân viên điều phối liên tục nhắc nhở họ di chuyển để kịp đón hàng nghìn người đang chờ bên ngoài.
"Tôi cảm thấy vô cùng xúc động", Rosario Correale, một tín đồ Công giáo đến từ Salerno, Italy, chia sẻ sau khi vào viếng. "Tôi thấy mọi người đều bùi ngùi. Ngài đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng chúng tôi".
![]() |
Maria Brzezinska, tín đồ hành hương từ Ba Lan đến Rome, cho rằng nơi an nghỉ của Giáo hoàng Francis phản ánh đúng tinh thần giản dị của ông lúc sinh thời.
"Tôi cảm thấy nơi đây thật sự phù hợp với hình ảnh của Giáo hoàng. Ngài sống đơn sơ và giờ đây nơi yên nghỉ của ngài cũng vậy", cô chia sẻ.
![]() |
Một nhóm tu sĩ đến viếng mộ Giáo hoàng Francis vào chiều 27/4 và tham dự buổi kinh chiều tại nguyện đường. |
![]() |
Giáo hoàng Francis đã chọn nơi yên nghỉ bên cạnh biểu tượng Đức Mẹ Salus Populi Romani mà ông hết sức tôn kính và nhiều lần đến cầu nguyện, theo Vatican News.
Mộ của ông cũng nằm gần bàn thờ Thánh Francis, giữa Nhà nguyện Pauline và Nhà nguyện Sforza. Tòa thánh Vatican cho biết vị trí mộ của Giáo hoàng Francis thể hiện lối sống "khiêm nhường, đơn giản và thuần khiết" của ông.
![]() |
Các Hồng y làm lễ trước mộ của Giáo hoàng Francis bên trong thánh đường.
Hồng y Rolandas Makrickas, đồng giám mục quản lý Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, cho biết mộ được làm từ đá phiến từ vùng Liguria, quê hương bên ngoại của Giáo hoàng Francis. Cụ cố của ông là Vincenzo Sivori, di cư từ Italy sang Argentina vào thế kỷ 19.
Đá phiến xanh xám mịn của vùng, còn được mệnh danh là "đá của người bình dân", đã được lựa chọn để làm bia mộ. "Đây không phải loại đá quý tộc, nó mang hơi ấm và sự mộc mạc chân thành", Franca Garbaino, Chủ tịch Hiệp hội Đá phiến Liguria, cho biết.
![]() |
"Đối với tôi, Giáo hoàng là nguồn cảm hứng, là người dẫn đường", Elias Caravalhal, cư dân Rome, chia sẻ khi ngắm nhìn mộ của Giáo hoàng Francis.
Anh không thể đến viếng khi linh cữu Giáo hoàng được quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter tuần qua, nên chọn đến viếng mộ ngài ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để "tạ ơn những điều ngài đã làm cho thế giới".
![]() |
"Được nhìn thấy ngài và mộ phần hôm nay thực sự rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy thật kỳ diệu khi ngài chọn yên nghỉ tại Vương cung Thánh đường này", Amaya Morris, du khách đến từ Los Angeles, Mỹ, chia sẻ. |
![]() |
Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là một trong 4 đại vương cung thánh đường của Giáo phận Rome. Công trình được xây dựng theo lệnh của Giáo hoàng Liberio vào tháng 8/359 và xây dựng lại vào năm 432 dưới thời Giáo hoàng Sixto III. |
![]() |
Các tín đồ sử dụng điện thoại ghi lại hình ảnh ngôi mộ đơn sơ của Giáo hoàng Francis.
Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là nơi an nghỉ của bảy vị Giáo hoàng khác, trong đó Giáo hoàng đầu tiên dòng Francis là Nichola IV, Giáo hoàng đầu tiên dòng Dominican là Pius V. Giáo hoàng gần đây nhất được chôn cất tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả là Clemente IX vào năm 1669.
Thanh Danh (Theo AP)