Tại một tầng hầm ẩm thấp bên trong trại kiểm soát biên giới Gruzia ở phía nam hẻm núi Dariala, vùng đất hoang vu nằm giữa nước này với Nga, hơn 90 người Ukraine đang bị lính biên phòng Gruzia giám sát chặt chẽ.
Hầu hết những người này là cựu tù nhân quốc tịch Ukraine bị Nga bị trục xuất sau khi mãn hạn tù. Số còn lại bị trục xuất vì những lý do khác, như vấn đề liên quan đến giấy tờ nhập cư.
Họ không thể vượt biên từ Nga sang Ukraine, do biên giới giữa hai nước đang là vùng xung đột đầy rẫy mìn, còn Gruzia từ chối cho họ nhập cảnh vì nhiều người có tiền án, tiền sự. Một số người đã sống dưới tầng hầm gần hai tháng nay.
Tối 20/7, họ tổ chức biểu tình."Chúng tôi không được phép ra ngoài!", một người đàn ông hét lên khi họ bị nhân viên an ninh bao vây trong khuôn viên trạm kiểm soát.
![]() |
Những người Ukraine bị Nga trục xuất chờ đợi trong tầng hầm dưới lòng đất tại biên giới Nga - Gruzia. Ảnh: Moscow Times |
"Chúng tôi bị đày đọa", một người khác nói. "Nơi này vô cùng ẩm thấp, có người khuyết tật nhưng không được chăm sóc y tế, chẳng có gì cả".
Quá bí bách và tuyệt vọng, một người còn tự làm mình bị thương trong cuộc biểu tình.
"Anh ấy đã ở đây hơn một tháng", Nikolai Lopata, 45 tuổi, nói về người bị thương. "Họ từng hai lần hứa rằng sẽ đưa anh ấy ra khỏi đây. Anh ấy đã mua vé xe nhưng cả hai lần đều không được trả lại tiền".
Theo lời Lopata, người đàn ông này mắc hội chứng lo âu, đã nhiều lần bị giới chức Gruzia từ chối cho quá cảnh để đến Ukraine.
Xe cứu thương đến sau hơn một giờ. Các nhân viên y tế băng bó vết thương cho anh ta rồi lặng lẽ rời đi. Người đàn ông, khoảng 40 tuổi, không được nhập viện và đến nay vẫn ở tại trạm kiểm soát, các tình nguyện viên tại hiện trường cho hay.
Lopata cho hay anh và những người mắc kẹt từng bị giam trong các nhà tù ở Nga hoặc các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát tại Ukraine. Họ được trả tự do trong những tháng gần đây và đang mắc kẹt trong tình trạng vô định.
"Biên phòng Gruzia giữ giấy tờ của chúng tôi. Họ không cho chúng tôi nhập cảnh hay rời khỏi Gruzia. Họ cứ nói 'ngày mai, ngày mai'. Một số người đã ở đây hơn một tháng rưỡi trong những điều kiện tồi tệ, không thể chịu đựng nổi", Lopata nói.
Lopata, người đến từ thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, cho biết ông đã sống ở Nga từ năm 2005, cưới vợ là người Nga và có hai con. Năm 2010, ông bị kết án giết người. Khi mãn hạn tù vào năm 2024, ông bị đưa đến giam tại một trung tâm chờ trục xuất thêm một năm nữa.
Thời điểm đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra ác liệt nên để có được tấm vé lên một chuyến bay đến Kiev là điều không tưởng.
"Mùa hè năm ngoái, chính quyền Nga nói sẽ đưa tôi đến Gruzia. Sau đó, vào mùa đông, họ hứa đưa tôi về Ukraine qua Belarus. Rồi chúng tôi được đưa đến biên giới Gruzia, nơi người ta nói là sẽ tiếp nhận chúng tôi. Nhưng Gruzia lại không chấp nhận", Lopata kể.
Thay vào đó, khi đến biên giới vào ngày 4/7, ông bị biên phòng Gruzia chụp ảnh, lấy dấu vân tay và tịch thu giấy tờ, trước khi được dẫn xuống một căn hầm.
"Chúng tôi chẳng làm gì, cả ngày chỉ ngồi dưới tầng hầm", Lopata nói, thêm rằng những người trong tầng hầm phải ngủ luân phiên vì chỉ có 40 chiếc giường.
Những người bị trục xuất được cung cấp rất ít đồ dùng và không có hỗ trợ y tế thường trực. Khi ai đó bị thương hoặc gặp vấn đề về sức khỏe, xe cứu thương sẽ đến để chăm sóc họ khẩn cấp.
"Hầu như ngày nào xe cứu thương cũng đến, đôi khi hai lần một ngày, vì chúng tôi có người khuyết tật và cả người bệnh ở đây", Lopata cho hay. Ông biết một số người bị động kinh, nhiễm HIV và mắc cả bệnh lao.
"Nhưng họ không cung cấp gì ngoài những giải pháp tạm bợ. Ví dụ vào hôm qua, họ tiêm thuốc giảm đau cho một người rồi bảo 'Vậy thôi, chúng tôi không thể giúp gì thêm nữa'", ông nói.
Các nhà hoạt động và tình nguyện viên hàng tuần vẫn mang đồ dùng thiết yếu đến cho những người bị giam tại trạm kiểm soát.
Thực phẩm, đồ gia dụng và các sản phẩm vệ sinh cá nhân được cung cấp bởi Volunteers Tbilisi, tổ chức hỗ trợ người tị nạn Ukraine ở Gruzia.
"Không có không khí trong lành, rất nóng và các căn hầm đều đóng kín", Maria Belkina, quản lý tại Volunteers Tbilisi, nói. "Đây chắc chắn không phải nơi bạn có thể sống".
Anna Skripka, luật sư của tổ chức phi chính phủ Bảo vệ Tù nhân Ukraine, cho biết "thảm họa nhân đạo" này bắt đầu từ năm 2023 và ngày càng trầm trọng trong hai năm qua.
Theo lời bà, một số người tuyệt vọng đến mức tìm cách tự tử.
"Họ không hiểu chuyện gì đang diễn ra", Skripka nói. "Điều kiện sống như địa ngục".
Hiện có 84 nam và 7 nữ đang bị giam tại trạm kiểm soát của Gruzia. Những người phụ nữ có một phòng riêng, nhưng điều kiện của họ cũng rất tồi tệ.
"Nhiều phụ nữ phàn nàn với tôi rằng họ không được đưa đi vệ sinh", Skripka cho hay. "Họ nhờ chúng tôi mua hộ một cái xô có nắp để làm việc đó ngay trong phòng".
Trước đây, những người bị trục xuất tới cửa khẩu biên giới này được đưa đến
Đó là cách Andriy Kolomiyets trở về nhà ở Ukraine hồi đầu tháng sau khi thụ án 10 năm tù tại Nga vì tội danh liên quan đến ma túy và cố ý giết người.
Luật sư Skripka giải thích rằng theo thỏa thuận trước đây giữa Moldova và Gruzia, người Ukraine bị Nga trục xuất sẽ được đưa bằng xe buýt từ cửa khẩu tới sân bay Tbilisi, bay tới Moldova rồi từ đây trở về Ukraine bằng đường bộ. Từ đầu tháng 6 đến tháng 7, gần 40 người Ukraine đã được hồi hương bằng cách này. Nhưng 4 người đã lợi dụng thỏa thuận để trốn ở lại Moldova bất hợp pháp.
Họ sau đó được đưa trở lại Ukraine, Skripka cho hay, nhưng kể từ đó, Moldova từ giữa tháng 7 tuyên bố chấm dứt chương trình hợp tác vì "không muốn mạo hiểm nữa".
Gruzia cũng từ chối cho phép những người Ukraine bị trục xuất quá cảnh qua nước này với lý do nhiều người là cựu tù nhân đã thụ án ở Nga. "Hầu hết những cá nhân này đều có quá khứ tội phạm và đã bị kết án nhiều lần vì những tội ác nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng", Bộ Ngoại giao Gruzia tuyên bố.
Nhưng Skripka cho rằng việc coi tất cả họ là tội phạm thực sự không công bằng. Một số người bị trục xuất khỏi Nga vì thiếu giấy tờ hợp lệ. Những người khác đã bị tước quyền công dân Nga.
Theo bà, cách đối xử của Gruzia với những người bị trục xuất đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về pháp lý và đạo đức. Tuy nhiên, điều khiến mọi việc phức tạp hơn là nhiều người bị trục xuất thiếu giấy tờ tùy thân hợp lệ.
Ukraine đã cấp "hộ chiếu trắng", loại giấy thông hành khẩn cấp cho phép công dân về nước, nhưng những giấy tờ này chỉ có giá trị trong 30 ngày.
Một số chính trị gia Ukraine đã lên tiếng về những công dân mắc kẹt ở Gruzia.
"Chúng tôi đang tích cực làm việc với phía Gruzia và Moldova để họ về nước an toàn", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết. "Nhằm tránh làm tình hình phức tạp hơn, chúng tôi công khai đề nghị Nga đưa các công dân Ukraine thuộc diện này đến biên giới, nơi chúng tôi sẽ tiếp nhận họ. Có những khu vực biên giới phù hợp để làm điều này".
Sau khi những người bị giam trở về Ukraine, họ phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh kỹ lưỡng.
"Họ đã ở Nga một thời gian dài. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Họ có thể đã bị tình báo Nga tuyển mộ. Đây là vấn đề an ninh quốc gia của Ukraine", luật sư Skripka giải thích.
Hồi tháng ba, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh yêu cầu những người Ukraine sống ở các vùng lãnh thổ do Moskva kiểm soát phải rời đi hoặc nhận quốc tịch Nga trước ngày 10/9. Điều này có khả năng khiến số lượng Ukraine bị Nga trục xuất sẽ tăng vọt trong những tháng tới.
Lopata đang khao khát được rời khỏi trạm kiểm soát biên giới Gruzia hơn bao giờ hết, mặc dù ông không nhất thiết phải về nhà.
"Nhà tôi ở Ukraine đã bị đánh bom. Cha mẹ tôi đã thiệt mạng và tôi không biết phải đi đâu", ông nói. "Tôi chỉ muốn thoát khỏi đây bằng mọi giá".
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, AFP, Reuters)