Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn thất bại, giao tranh ở miền đông Ukraine thêm khốc liệt. Quân đội Ukraine đang đối mặt mỗi ngày với các cuộc tấn công ngày càng dữ dội của Nga.
Khi việc sơ tán trở nên nguy hiểm, không ít người dân Ukraine chọn bám trụ lại các thị trấn đổ nát. Giữa tình cảnh ngặt nghèo, cả dân thường và binh lính ở miền đông Ukraine đều đã học được cách cảnh giác trước những mối đe dọa ập đến không ngừng.
![]() |
Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo về phía các vị trí của Nga gần Pokrovsk, vùng Donetsk, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters |
Ngay cả ở những vị trí cách tiền tuyến hàng km, bất cứ thứ gì di chuyển đều có thể trở thành mục tiêu của phi đội máy bay không người lái (drone) Nga. Quân đội Nga đang tận dụng mọi loại drone có thể nhằm giành thêm lãnh thổ Ukraine khi họ tăng tốc chiến dịch tiến công trong mùa hè.
Dưới bầu trời tràn ngập drone Nga, các binh sĩ Ukraine đang chật vật duy trì những tuyến tiếp tế quan trọng quanh các thị trấn Kostiantynivka, Pokrovsk và Kupiansk, nơi thường xuyên bị tấn công. Một số drone của Nga có khả năng hoạt động ở phạm vi lên tới gần 40 km.
Trung úy Yevhen Alkhimov, phát ngôn viên Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 28 Ukraine, cho biết việc di chuyển đến và đi khỏi các vị trí chiến đấu hiện tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với các binh sĩ, khi drone có thể phát hiện và tập kích họ ngay lập tức.
Theo ông, màn đêm cũng không giúp họ an toàn hơn bởi một số drone Nga có camera ảnh nhiệt giúp nhìn trong bóng tối. Binh sĩ Ukraine thường chỉ có thể chiến đấu khi đã ở trong hầm trú ẩn và chiến hào kiên cố ở tiền tuyến.
Các đòn tấn công bằng drone kết hợp oanh tạc trên không thường rất tàn khốc, binh sĩ Ukraine cho hay. Khi drone xuất hiện, nếu ở nơi cây cối rậm rạp, họ sẽ dễ ẩn nấp và di chuyển đến vị trí của mình hơn. Nhưng nếu không có chỗ trốn, di chuyển thôi đã là một công việc vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, nhiều dân thường lớn tuổi và người khuyết tật vẫn cố gắng bám trụ lại những khu vực này. Các nhân viên cứu trợ nhân đạo cho hay rất khó thuyết phục những người này tình nguyện sơ tán.
Tại Kupiansk, khoảng 1.000 dân vẫn ở lại, theo số liệu từ chính phủ Ukraine. Theo Liana Shcherbyna, người đứng đầu Trung tâm Nhân đạo Proliska ở vùng Kharkov chuyên hỗ trợ sơ tán dân thường, nhà cửa của người dân liên tục phải đối mặt với những mối nguy hiểm từ pháo binh, bom và drone.
"Hầu như ngày nào cũng có dân thường thương vong," cô nói.
Hồi tháng 5, trong một nhiệm vụ sơ tán ở Kupiansk, nhóm của Shcherbyna đã phải ra lệnh cho mọi người nằm rạp xuống đất khi nghe tiếng drone bay trên đầu.
![]() |
Các sĩ quan Ukraine đi vận động sơ tán người dân khỏi các thị trấn và làng mạc gần tiền tuyến ở vùng Donetsk hồi tháng 5. Ảnh: Reuters |
Vira Shapka, 86 tuổi, nhà soạn nhạc kiêm thành viên Hội Nghệ sĩ Quốc gia Ukraine ở Kupiansk, đã từ chối rời đi, dù nhiều vụ tập kích đã xảy ra gần nhà bà.
Shcherbyna cho hay phần lớn dân số đã được sơ tán khỏi các khu vực gần những địa điểm giao tranh, "một số người dân vẫn quyết định ở lại vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ không muốn rời bỏ nhà cửa cho đến lý do thể chất hoặc tâm lý".
Trên các con đường, những đội sơ tán liên tục nhận được cảnh báo về rủi ro đối với phương tiện của họ do drone tự sát. Ukraine hiện vẫn thiếu các biện pháp đối phó hiệu quả trước những mối nguy hiểm này.
Vì thế ở Kupiansk, các xe nhân đạo hiếm khi dừng lại để tránh trở thành mục tiêu. Nếu cung cấp viện trợ, họ sẽ sử dụng các thiết bị điện tử để gây nhiễu tín hiệu drone, dù chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Mục sư Oleg, cư dân thành phố Ugledar thuộc vùng Donbass, đã giúp đưa thực phẩm, nước uống, gas và các sản phẩm vệ sinh đến cho những người còn ở lại, đồng thời hỗ trợ sơ tán bất cứ ai muốn rời đi. Ông thường xuyên hoạt động gần tiền tuyến, được xe bọc thép và hệ thống chống drone yểm trợ.
Để đối phó với các mối đe dọa từ drone, chính quyền địa phương đang lắp đặt những chiếc cột dài, sau đó căng lưới phía trên những con đường thường xuyên được sử dụng.
"Mối đe dọa lớn nhất là chúng tôi có thể chết khi làm nhiệm vụ sơ tán, dù là khi đang di chuyển hay đón họ", Shcherbyna nói thêm. "Tôi nghĩ mọi người cần sơ tán ngay bây giờ, trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khiến nỗ lực sơ tán trở nên bất khả thi".
Ở những nơi khác tại Ukraine, các hệ thống phòng không do phương Tây viện trợ giúp quân đội đánh chặn hàng chục, thậm chí hàng trăm drone Nga mỗi ngày. Nhưng nếu những hệ thống đắt tiền này được triển khai gần tiền tuyến, chúng rất dễ bị phá hủy, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng vũ trang Ukraine vốn đang vô cùng thiếu thốn.
Vậy nên, binh sĩ Ukraine phải dựa vào các vũ khí kém hiệu quả hơn từ thời Liên Xô, như pháo phòng không ZU-23, để đối phó drone Nga.
Để tránh bị drone phát hiện, binh lính ở tiền tuyến thường phải che giấu vũ khí dưới lưới ngụy trang và đào hào. Ngay trước khi bắn, họ sẽ kéo bạt và lưới ngụy trang ra. Bằng cách này, các vị trí chiến đấu chỉ bị phát hiện khi vũ khí khai hỏa.
Drone đã khiến cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn, với số thương vong ngày càng tăng.
Gần đây, các binh sĩ thuộc Lữ đoàn Tác chiến Tổng thống số Một bị một drone tự sát Nga tấn công trong lúc đang vận chuyển hàng tiếp tế. Drone trượt mục tiêu nhưng đã phát nổ cách xe của họ chỉ khoảng 45 m. Họ nghi ngờ đó là drone cáp quang, được điều khiển qua một sợi cáp mỏng, vì họ có gắn hệ thống gây nhiễu cho phương tiện.
![]() |
Các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu ở miền đông đất nước chuẩn bị triển khai một drone hôm 30/4. Ảnh: AFP |
Hôm sau, trong một cuộc sơ tán người bị thương lúc 5h sáng, chiếc xe bọc thép của nhóm bị tấn công trực diện.
"Chiếc xe bốc cháy, nhưng tất cả người bên trong đều sống sót", Pavlo Yurov, sĩ quan thuộc đơn vị báo chí của lữ đoàn, cho hay. "Mọi người đã lao khỏi xe và chạy xuống hầm trú ẩn, nơi lúc bấy giờ cũng đang bị tấn công bằng súng cối và drone".
Sau khi một chiếc xe khác được điều tới, họ nhanh chóng sơ tán.
Khi chiến dịch mùa hè tiếp diễn, quân đội Nga đang từng ngày tiến gần hơn đến các thành phố miền đông Ukraine và với những người dân cũng như binh sĩ đang bám trụ tại các khu vực nguy hiểm, sinh tồn mỗi ngày đã là một cuộc chiến.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)