Vatican ngày 27/4 sẽ tổ chức lễ phong thánh cho Carlo Acutis, thần đồng máy tính 15 tuổi nổi tiếng vì các hoạt động từ thiện và lòng tin vào Chúa. Với buổi lễ này, Acutis sẽ trở thành "vị thánh mặc quần jean đầu tiên" trong lịch sử giáo hội Công giáo, hoàn tất quá trình phong thánh kéo dài nhiều năm.
Mọi tín đồ của giáo hội Công giáo đều có thể được phong thánh, nhưng phải trải qua quá trình điều tra, chứng thực nghiêm ngặt được tiến hành bởi "Bộ Phong thánh", cơ quan được ví như "nhà máy sản xuất thánh" của Vatican.
![]() |
Carlo Acutis, người sắp trở thành vị thánh Công giáo đầu tiên thuộc thế hệ thiên niên kỷ. Ảnh: Archdiocese of Malta |
Theo quy định của Giáo hội, ít nhất 5 năm kể từ người được đề nghị phong thánh qua đời, giám mục địa phương sẽ mở hồ sơ "án phong", thu thập chứng cứ về đời sống nhân đức và thánh thiện của ứng viên rồi trình lên Tòa Thánh. Ứng viên khi này được gọi là "Tôi tớ Chúa".
Hồ sơ sau đó sẽ được trình lên Bộ Phong thánh của Vatican để xét duyệt. Các cố vấn Bộ Phong thánh sẽ xem xét các dữ liệu, đánh giá "nhân đức anh hùng" của ứng viên để trình lên Giáo hoàng, nhằm tuyên bố người đó là "Đấng Đáng kính" (Venerabilis).
Bước tiếp theo trong quá trình phong thánh là ứng viên phải được công nhận phép lạ thứ nhất. Ứng viên được công nhận phép lạ đầu tiên sẽ được tuyên phong chân phước.
"Phép lạ" phổ biến nhất được xem xét trong quá trình phong thánh là giúp những người bệnh bình phục hoặc khỏi hoàn toàn nhờ những lời cầu nguyện, nằm ngoài khả năng giải thích của khoa học. Những ứng viên được công nhận tử vì đạo sẽ được phong chân phước lập tức.
Khi được Bộ Phong thánh chứng nhận phép lạ thứ hai, ứng viên sẽ được Giáo hoàng phong thánh trong lễ hiển thánh. Người này sẽ được tôn kính trong toàn thể Giáo hội với tước hiệu "Thánh".
![]() |
Các giám mục dự thánh lễ ở Vatican, ngày 6/4. Ảnh: AFP |
Vatican cho biết quá trình phức tạp này cần tập thể Bộ Phong thánh làm việc cần mẫn trong nhiều năm, đôi khi hàng thập kỷ.
Tiêu chuẩn mới ban hành năm 1983 đã rút ngắn đáng kể thời gian xem xét phong chân phước và phong thánh cho ứng viên. Trước đây, Vatican yêu cầu đợi 50 năm sau khi vị "Tôi tớ Chúa" qua đời mới bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời, nhân đức hoặc hành động tử vì đạo của họ.
Dù thời gian xem xét phong chân phước này đã được rút ngắn, quá trình phong thánh vẫn thường kéo dài do sự phức tạp trong nhiệm vụ thẩm định án phong, cũng như nguồn lực nghiên cứu có sẵn của Bộ Phong thánh.
Mỗi quy trình tuyên phong chân phước và phong thánh đều có các bước riêng như điều tra, lấy lời khai, soạn thảo hồ sơ đúc kết (Positio). Quá trình điều tra, thẩm định thường do các cố vấn thần học từ Bộ Phong thánh thực hiện, có thể với sự hỗ trợ của cố vấn lịch sử nếu cần thiết.
Để xem xét một phép lạ, họ sẽ phỏng vấn nhiều nhân chứng, có thể lên tới vài chục người, trong mỗi giai đoạn. Đối với phép lạ chữa lành bệnh, Bộ Phong thánh cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế.
Sau khi hoàn thành và được chấp nhận ở các khâu, hồ sơ positio sẽ được trình bày trước phiên họp của các thành viên của Bộ Phong thánh, rồi được Tổng trưởng Bộ trình lên Giáo hoàng để ra quyết định cuối cùng.
![]() |
Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, ngày 13/4. Ảnh: AFP |
Theo Vatican News, Tòa Thánh đang xử lý gần 1.500 hồ sơ phong thánh ở Rome và hơn 600 hồ sơ ở các giáo phận cấp thấp, và không phải tất cả các án phong đều có tiềm năng được chấp nhận. Vatican chi khoảng 2 triệu euro để thẩm định án phong trong năm 2021.
Nhờ đơn giản hóa tiến trình trong 50 năm qua nên số người được đề nghị phong thánh gia tăng, đến từ mọi châu lục, thuộc mọi thành phần. Kể từ năm 1969, Vatican đã phong chân phước cho 3.003 vị và phong thánh cho 1.479 vị.
Bộ Phong thánh thường tổ chức hai phiên họp mỗi tháng, xem xét 4 án phong mỗi phiên. Số án phong được hoàn tất mỗi năm khoảng 80-90 bộ.
Sau khi được xem xét, các án phong này sẽ được cập nhật trên website của Bộ Phong thánh. Ngoài các tài liệu, ấn phẩm liên quan, website còn lưu trữ hơn 1.000 mục về tiểu sử, bài giảng của các vị chân phước, vị thánh được công nhận trong 7 triều đại Giáo hoàng gần nhất.
Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, cho hay quá trình xử lý án phong phức tạp cùng khối lượng công việc lớn khiến cơ quan này thường được gọi là "nhà máy sản xuất thánh".
Ông cho rằng cách gọi này không mang tính tiêu cực, mà cho thấy Bộ là nơi các cố vấn, cộng tác viên làm việc nghiêm túc, trung thực để thẩm định ứng viên. Lượng án phong nhiều, nhưng không làm giảm tính chính xác, toàn diện của Bộ, ông nói.
Hồng y Semeraro cho biết Bộ Phong thánh thường nỗ lực kiểm soát chi phí phát sinh trong quá trình xem xét các án phong phức tạp, không để yếu tố tài chính trở thành rào cản cho tiến trình phong thánh.
Nhằm đảm bảo tính minh bạch, Giáo hoàng Francis năm 2016 đã phê duyệt các quy tắc hành chính liên quan đến hoạt động của Bộ Phong thánh. Ngoài sử dụng nhiều nguồn tài trợ khác nhau, Bộ Phong thánh cũng lập quỹ riêng để hỗ trợ những án phong có ít nguồn lực thẩm định.
Đức Trung (Theo Vatican News, Catholic News Agency)