Cầm xấp tài liệu trên tay, hướng mắt về phía Vòm Bom nguyên tử, Shun kể rằng giới chức thành phố đã quyết định bảo tồn vĩnh viễn tòa nhà trong tình trạng đổ nát, để nhân loại không quên và không để thảm kịch ấy tái diễn.
Đây là công trình đứng vững trong khu vực bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Phế tích của tòa nhà được giữ lại như đài tưởng niệm hơn 140.000 người đã thiệt mạng.
Nhóm khách nước ngoài chăm chú lắng nghe. Ngày càng có nhiều người tụ tập, dần hình thành một "vòng tròn thính giả" xung quanh Shun. Cậu bé kết thúc phần thuyết minh bằng cách phát những con hạc giấy, khuyến khích mọi người kể lại cho bạn bè những gì nghe được.
Khi một du khách muốn tip cho Shun 1.000 yen (khoảng 6,8 USD), cậu từ chối, đáp: "Thời gian là tiền bạc".
![]() |
Shun, 12 tuổi, thuyết minh cho nhóm khách nước ngoài tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, đằng sau là Vòm Bom nguyên tử. Ảnh: Mainichi |
Theo Mainichi, Shun bắt đầu được bố mẹ cho nghe tài liệu giáo dục tiếng Anh khi mới 7 tháng tuổi. Lên 4, cậu bé đã có thể truyền đạt suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Vào tiểu học, Shun đặc biệt quan tâm về Công viên Tưởng niệm Hòa bình và thường xuyên tìm hiểu, đến thăm khu di tích. Bà cố của cậu là một trong những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945.
Mỗi khi gặp người nước ngoài, cậu bé không ngại chủ động tiếp cận, trò chuyện. Nhưng có lần, cậu không thể trả lời một câu hỏi từ một người nước ngoài và cảm thấy thất vọng.
Shun sau đó học tập thêm, trau dồi kiến thức. Thấy con trai hăng say, mẹ cậu bé đã gợi ý: "Sao con không làm hướng dẫn viên tại di tích?".
Shun bắt đầu làm hướng dẫn viên tình nguyện từ tháng 8/2021, vào dịp kỷ niệm 76 năm vụ ném bom, khi mới học lớp 2. Hiện cứ 2 lần mỗi tháng, cậu bé lại đến công viên và thuyết minh cho khách nước ngoài tại 7 địa điểm, trong đó Vòm Bom nguyên tử và Đài tưởng niệm.
![]() |
Áo hướng dẫn viên tình nguyện của Shun, mặt sau là dòng: "Đừng ngần ngại nói với tôi bằng tiếng Anh!". Ảnh: Mainichi |
Cậu thường xuyên chia sẻ những câu chuyện của bà cố qua các bức ảnh. Khi đó, bà cố của Shun mới 12 tuổi, đang ở nhà cách tâm vụ nổ 1,5 km. Bà được giải cứu dưới đống đổ nát.
Để tăng tương tác với du khách, Shun còn kết hợp các câu đố, giới thiệu các nhà hàng bánh xèo okonomiyaki đặc sản của địa phương.
Hồi tháng 3, Shun gặp một du khách khiến cậu nhớ mãi, là một người Mỹ khoảng 40 tuổi. Du khách nêu quan điểm rằng vũ khí hạt nhân có thể ngăn chặn chiến tranh, nhưng sau khi nghe cậu thuyết minh, người này đã thay đổi quan điểm.
"Cháu học được rằng có thể rung động trái tim con người khi thuyết minh. Cháu muốn truyền tải thông điệp rằng ngay cả khi chiến tranh kết thúc, nỗi đau còn đọng mãi", cậu bé nói.
Đức Trung (Theo Mainichi, Asahi, Yomiuri)