Lữ đoàn Thiết giáp số 1 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 3 lục quân Mỹ là một trong những đơn vị được triển khai luân phiên đến Litva, quốc gia thành viên NATO ở vùng Baltic. Một trong các nhiệm vụ chính của Lữ đoàn 1 là huấn luyện, làm quen môi trường tác chiến tại thao trường gần thành phố Pabrade, nơi có địa hình đồi núi, đầm lầy và rừng rậm.
Tối 24/3, phương tiện cơ giới của một đơn vị pháo binh thuộc Lữ đoàn 1 bị sa lầy khi huấn luyện ban đêm. Nhiệm vụ cứu kéo được giao cho ba quân nhân gồm Jose Duenez, Edvin Franco và Dante Taitano, đều là kỹ thuật viên bảo trì xe tăng Abrams và chuyên thu hồi phương tiện hư hỏng.
Tất cả đều được đào tạo để làm nhiệm vụ cứu hộ trong đêm và đây được coi là cơ hội quý giá để họ rèn luyện kỹ năng.
Sau khi nhận lệnh, ba quân nhân triển khai trên xe cứu kéo M88A2 Hercules nặng hơn 63 tấn và đi vào rừng. Troy Knutson-Collins, thợ máy thuộc đơn vị pháo binh của lữ đoàn, đi kèm để dẫn đường cho kíp xe cứu kéo.
![]() |
Từ trái sang: Taitano, Franco, Duenez và Knutson-Collins. Ảnh: BQP Mỹ |
Họ rời căn cứ lúc rạng sáng 25/3 và di chuyển tương đối chậm, do chiếc M88A2 Hercules chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 50 km/h. Liên lạc vô tuyến với kíp lái đột ngột bị cắt đứt, khiến sở chỉ huy phải phát động chiến dịch tìm kiếm.
Matthew Riley, thành viên đội cứu nạn, phát hiện vệt bánh xích trong rừng và dẫn đến đầm lầy nhỏ có đường kính khoảng 9 m. Một balô quân đội và chai dầu bôi trơn vũ khí nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong khi không có vệt xích ở phía đối diện.
Đội tìm kiếm ngửi thấy mùi xăng rất nồng, nhưng không tin đầm lầy nhỏ như vậy có thể nuốt chửng chiếc Hercules với kích thước khổng lồ. Một quân nhân lội đến khi mực nước ngang thắt lưng, song Riley kiên quyết cho rằng cần triển khai người lội hẳn xuống dưới đáy đầm lầy để kiểm tra.
6 thợ lặn Litva được cử tới hiện trường và phát hiện mối nguy hiểm ẩn chứa bên dưới đầm lầy có vẻ vô hại. Thực vật phân hủy và nguồn nước từ khu vực gần đó đã tạo thành lớp bùn dày đặc, trộn lẫn với cành cây và cỏ dại.
Các thợ lặn nói rằng lớp bùn không khác gì bê tông đang khô, khiến họ rất khó cử động và gặp rất nhiều khó khăn khi hít thở từ bình dưỡng khí. Lượng lớn xăng dầu rò rỉ từ chiếc Hercules cũng nhanh chóng làm hư hỏng thiết bị chuyên dụng, hạn chế thời gian tìm kiếm dưới nước.
Nhóm thợ lặn phát hiện dấu hiệu đầu tiên của chiếc Hercules ở độ sâu khoảng 9 m khi chạm vào một vật thể bằng thép. Các chỉ huy ở hiện trường lo ngại đó là xe quân sự đã mất tích từ lâu hoặc xe kéo của nông dân, nên muốn có thêm dấu hiệu nhằm xác nhận đó là chiếc Hercules.
Đội thợ lặn từng nghiên cứu một chiếc Hercules và khẳng định đã chạm vào cần trục đặc trưng của xe.
![]() |
Đội tìm kiếm dựng cầu nổi trước khi lặn xuống đầm lầy hôm 29/3. Ảnh: US Army |
Vấn đề tiếp theo là trục vớt thiết giáp nặng hơn 63 tấn. Nó bị chôn vùi trong lớp bùn dày vài mét và vẫn tiếp tục chìm, đồng thời nằm phía trên một đường ống dẫn khí đốt áp suất cao, dẫn tới nguy cơ phát nổ nếu xảy ra sơ suất.
Giới chỉ huy Mỹ ra lệnh tập trung làm loãng bùn để hỗ trợ quá trình trục vớt.
Tổng cộng 237 tấn sỏi đã được chở đến và rải quanh đầm lầy nhằm ổn định nền đất. Cây cối xung quanh cũng bị đốn hạ, máy bơm hút bùn hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Lực lượng cứu hộ mất 30 giờ để xây tường bao nhằm rút hết nước khỏi đầm lầy, song nỗ lực không thành công. Khoảng 2,65 triệu lít nước được bơm ra ngoài, nhưng nước ở xung quanh vẫn tiếp tục thấm vào đầm lầy.
Nhân lực tìm kiếm ngày một tăng và chạm mức hàng trăm người, gồm 250 quân nhân Mỹ, 160 binh sĩ và dân thường Litva, 50 quân nhân Ba Lan, cùng đội chó nghiệp vụ của Estonia và Litva.
Đội người nhái thuộc Lực lượng Đặc nhiệm số 68 của hải quân Mỹ, khi đó đồn trú tại Tây Ban Nha, cũng được lệnh khẩn cấp tới hiện trường. Khi đến nơi, họ được các đối tác Litva cập nhập tình hình và nhanh chóng nắm được tính chất nghiêm trọng của nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của đội người nhái là lần mò trong bùn để tiếp cận chiếc Hercules, sau đó nối dây cáp vào điểm móc trên xe nhằm kéo nó khỏi đầm lầy. Họ tập luyện bằng cách trèo lên một chiếc Hercules, nhắm mắt lại và dùng tay cảm nhận để ghi nhớ hình dạng của xe, nhằm nhận diện phương tiện trong điều kiện tầm nhìn bằng không.
![]() |
Lực lượng tìm kiếm xúc bùn đất trong đầm lầy hôm 29/3. Ảnh: US Army |
Sau khi xuống nước, đội người nhái dùng vòi chữa cháy để tạo lối đi trong bùn lầy, giúp họ bơi và di chuyển. Quá trình này rất vất vả, các quân nhân Mỹ phải vật lộn trong lớp bùn đặc quánh và gần như không còn sức cử động.
Họ mất hơn hai giờ để nối được dây cáp vào điểm móc trên xe cứu kéo và thêm 15 phút nữa để đào lối thoát ra bằng vòi chữa cháy. "Chúng tôi cảm thấy như mặt đất đang bao trùm lấy mình", quân nhân Steven Tausch mô tả.
Trên mặt đất, trưởng nhóm Carlos Hernandez lo lắng chờ thông tin cập nhật qua bộ đàm. Dù được buộc dây bảo hộ, nhóm người nhái hiểu rằng vẫn có nguy cơ không kịp thoát ly nếu xảy ra sự cố. "Mọi người ở hiện trường đều vô cùng lo lắng", Hernandez nhớ lại.
Đội của Tausch mất 90 phút để tìm được điểm móc thứ hai và cố định dây cáp. "Đưa tôi ra khỏi đây", anh nói và chửi thề qua bộ đàm.
Hai xe cứu kéo M88A2 và hai xe ủi đất được huy động để kéo chiếc Hercules ra khỏi đầm lầy. Bên trong xe là thi thể Duenez, Franco và Taitano, còn Knutson-Collins vẫn mất tích.
Thiết bị bay không người lái (drone) trang bị radar nhìn xuyên đất đã được triển khai và phát hiện một chiếc mũ chống đạn dưới đầm lầy. Rạng sáng 1/4, hai đội chó nghiệp vụ của Estonia được cử đến hiện trường.
![]() |
Hai xe cứu kéo M88A2 hỗ trợ nhiệm vụ trục vớt hôm 1/4. Ảnh:AFP |
Lực lượng tìm kiếm sau đó phát hiện được vị trí Knutson-Collins và dùng máy xúc đưa thi thể lên mặt đất. Chuẩn tướng John Lloyd, chỉ huy nhiệm vụ cứu nạn, nhớ lại khoảnh khắc các binh sĩ phát hiện đôi ủng trong lúc đào bới. "Tôi lập tức hiểu rằng chúng tôi đã tìm thấy cậu ấy", ông nói.
Quá trình cứu hộ hoàn tất trong ngày 1/4, kết thúc chiến dịch tìm kiếm và trục vớt kéo dài suốt 7 ngày.
Giới chức Mỹ đã mở hai cuộc điều tra riêng rẽ để xác định nguyên nhân sự việc và rút ra bài học về an toàn. Một trong những ưu tiên của cuộc điều tra là xem xét quyết định điều động các quân nhân vào rừng một mình có phù hợp hay không.
Georgia Franco, vợ của một trong các binh sĩ thiệt mạng, đã yêu cầu giới chức Mỹ phải có câu trả lời về vấn đề này. "Họ lẽ ra không bao giờ được phép ở ngoài đó một mình", cô nói.
Phạm Giang (Theo Washington Post)