Trả lời:
Khi một người đồng thời mắc đái tháo đường, suy thận và gout, việc xây dựng chế độ ăn uống trở nên rất phức tạp. Mỗi bệnh lý đều có những yêu cầu riêng biệt, thậm chí có thể xung đột với nhau. Do đó, chế độ ăn cần đảm bảo kiểm soát đường huyết ổn định, giảm gánh nặng chuyển hóa và độc tố cho thận và giảm axit uric máu, phòng ngừa cơn gout.
Người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý, không ăn nội tạng do chứa nhiều chất béo no (một loại chất béo không tốt) và hàm lượng cholesterol cao. Nếu ăn quá nhiều dễ dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch hoặc khiến bệnh tăng nặng.
Người bệnh nên hạn chế đạm nhưng vẫn đủ nhu cầu, từ 0,6 – 0,8 g/kg/ngày (với bệnh thận mạn độ 3-4, chưa lọc máu). Ưu tiên đạm từ trứng, sữa ít béo, đậu phụ. Kiểm soát đường và tinh bột chặt chẽ. Dùng tinh bột hấp thu chậm như gạo lứt, yến mạch, khoai lang luộc, chia nhỏ bữa. Hạn chế ăn bánh ngọt, nước ngọt, kẹo. Hạn chế ăn nước xương hầm, thịt đỏ, cá mòi, cá trích, tôm, cua, lươn.
Tránh bia rượu vì làm tăng acid uric và gây kháng insulin. Người bệnh nên kiểm soát natri (muối), kali, photpho (đối với suy thận), lượng muối dưới 2g/ngày. Hạn chế mắm, dưa muối, đồ chế biến sẵn. Nếu kali máu cao, người bệnh nên hạn chế trái cây nhiều kali như chuối, cam, bơ, cà chua sống. Tránh lòng đỏ trứng, sữa đặc, phô mai.
Tăng chất xơ và rau xanh hợp lý, giúp kiểm soát đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa và giảm cholesterol. Uống đủ nước, trừ khi bác sĩ hạn chế do suy thận giai đoạn cuối.
Người bệnh cần theo dõi huyết áp, đường huyết, acid uric định kỳ. Nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày như đi bộ, yoga...
Không tự ý dùng thuốc đông y hay thực phẩm chức năng khi chưa được bác sĩ đồng ý. Khi có biểu hiện bất thường, người bệnh nên đi khám để được điều chỉnh thuốc, phòng ngừa biến chứng.
![]() |
Nội tạng động vật có lượng cholesterol cao, chất béo không tốt. Ảnh: Bùi Thủy |
Bác sĩ Dương Minh Tuấn
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai