Khi người đàn ông gục xuống trên bãi biển Trần Phú, Nha Trang, anh Trần Đỗ Trọng Đại - nhân viên bảo vệ Long Sơn, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - phát hiện. Nhận thấy người này ngưng thở, anh Đại ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, đồng thời gọi 115 và bật loa ngoài để nhận hướng dẫn trực tiếp từ nhân viên cấp cứu, đồng thời huy động người dân hỗ trợ.
Ba phút sau, êkip cấp cứu 115 có mặt hỗ trợ. Lúc này, bệnh nhân đã hôn mê sâu, thang Glasgow 3 điểm, đồng tử không phản xạ ánh sáng, được kíp cấp cứu chẩn đoán ngưng tuần hoàn hô hấp nghi do bệnh lý tim mạch.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu cho bệnh nhân bị ngưng tim. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa |
Tại hiện trường, đội cấp cứu tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, bóp bóng có oxy; tiêm adrenaline qua nội khí quản và tĩnh mạch bệnh nhân. Sau 10 phút hồi sức, bệnh nhân có mạch trở lại, phản xạ thở ngáp, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.
Khi vào viện, bệnh nhân đã tỉnh, mở mắt, có cử động tay chân, tự thở yếu song sinh hiệu dần ổn định. Ông tiếp tục được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết sơ cứu kịp thời tại cộng đồng chính là yếu tố quyết định cứu sống bệnh nhân. "Nếu không có sự can thiệp đúng cách của anh Đại trước khi đội cấp cứu đến, bệnh nhân khó có cơ hội hồi phục", bác sĩ này nói.
Trung tâm Cấp cứu 115 Khánh Hòa khuyến cáo mỗi phút chậm trễ cấp cứu người ngưng tim sẽ giảm 7-10% cơ hội sống sót. Chỉ cần ép tim và thổi ngạt đúng cách, bất kỳ ai cũng có thể cứu một mạng người.
Trong trường hợp người dân không tự tin thực hiện kỹ thuật ép tim thổi ngạt, hãy gọi ngay cơ sở y tế gần nhất, bật loa ngoài để được hướng dẫn chi tiết từng bước trong lúc chờ xe cấp cứu đến.
Bùi Toàn