BS.CKI Đỗ Đình Đạt, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u buồng trứng của Ngân có khả năng tăng kích thước dẫn đến chèn ép các cơ quan lân cận hoặc tăng nguy cơ vỡ u và u buồng trứng xoắn.
U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa phổ biến, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Khối u tiến triển âm thầm, không có triệu chứng cảnh báo, được phát hiện nhờ khám phụ khoa định kỳ hoặc khám sức khỏe tổng quát. Đa số khối u buồng trứng không triệu chứng, khi u to gây đau vùng bụng dưới hoặc chèn ép các cơ quan lân cận gây ra triệu chứng như tiểu khó, táo bón. Một số khối u buồng trứng to dần mà không được chẩn đoán, theo dõi làm tăng nguy cơ vỡ, xoắn hoặc nguy hiểm hơn là ác tính.
![]() |
BS.CKI Đỗ Đình Đạt (trái) và TS.BS Nguyễn Thị Yến Thu (giữa) trong một ca mổ bóc u buồng trứng. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm |
Chị Ngân được phát hiện sớm khối u buồng trứng khi chưa có triệu chứng, được chỉ định phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, tránh các biến chứng nguy hiểm. Êkíp phẫu thuật nội soi bóc u, bảo tồn buồng trứng và người bệnh được xuất viện sau hai ngày.
Theo bác sĩ Đạt, có nhiều nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng. Trong đó, phụ nữ có người thân trực hệ trong gia đình như mẹ, chị em bị u buồng trứng, đột biến gene BRCA1, BRCA2 liên quan đến ung thư buồng trứng. Phụ nữ bị mất cân bằng nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung... cũng có nguy cơ cao.
Dù u nang buồng trứng đa phần lành tính nhưng bác sĩ Đạt khuyến cáo phụ nữ không nên chủ quan, khám phụ khoa định kỳ. Nhiều trường hợp người bệnh phát hiện trễ, khi u nang buồng trứng có biến chứng (vỡ u, xoắn u, hoại tử...) hoặc ác tính. Lúc này, điều trị khó khăn hơn do nguy cơ nhiễm khuẩn, dính hoặc tắc ruột. Vỡ u gây mất máu cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Hiện chưa có phương pháp dự phòng u nang buồng trứng hiệu quả. Do đó, phụ nữ nên khám phụ khoa kết hợp kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |