Bác sĩ Tống Thị Ngọc Cầm, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết như trên, thêm rằng mầm bệnh dễ lây lan trong khu vực văn phòng do tập trung đông người và sử dụng chung nhiều thiết bị, không gian. Bên cạnh đó, nhiều người mắc bệnh nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng, vẫn đi làm và lây bệnh. Nhân viên văn phòng cần cẩn trọng những tác nhân này:
Máy lạnh, hệ thống điều hòa trung tâm
Môi trường sử dụng máy lạnh, hệ thống điều hòa trung tâm thường khép kín và nhiều không khí lạnh. Khi người bệnh gây ra các giọt bắn chứa virus rất nhỏ, môi trường này có thể khiến giọt bắn văng rất xa, tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan nhanh hơn. Theo một nghiên cứu, giọt bắn mang virus cúm có thể văng xa đến hơn 1,2 mét trong buồng ho. Còn sởi là một trong những virus lây mạnh nhất, có thể khiến 90% người chưa tiêm chủng bị nhiễm chỉ sau một lần tiếp xúc trong cùng không gian.
![]() |
Nhân viên văn phòng dễ nhiễm bệnh từ những đồ vật sử dụng hằng ngày. Ảnh minh họa: Vecteezy |
Nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh có nhiều bề mặt ẩm ướt, kín gió, khó thông hơi, nhiều vật dụng như vòi nước, nút xả bồn cầu, bệ rửa tay, bồn cầu... được dùng chung. Do đó, nhiều loại virus và vi khuẩn có thể lây truyền. Một số mầm bệnh tồn tại trong nhà vệ sinh dùng chung như virus gây tiêu chảy norovirus, rotavirus, vi khuẩn đường ruột E. coli, Salmonella, vi khuẩn gây nấm da, nhiễm trùng tiết niệu, virus HPV... Khi người dùng toilet chạm vào bề mặt nhiễm virus rồi đưa tay lên vùng kín hoặc vùng niêm mạc như miệng, mắt, da có vết xước rất dễ nhiễm các virus này.
Thang máy
Thang máy có diện tích nhỏ, đóng kín hoàn toàn nên thiếu đối lưu không khí. Khi một người ho, hắt hơi, các giọt bắn chứa virus hoặc vi khuẩn sẽ phát tán và lơ lửng trong không khí trong nhiều phút. Ví dụ, các hạt aerosol chứa virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong thang máy tới 15 phút nếu không có thông gió hiệu quả. Chỉ cần một người nhiễm bệnh sử dụng buồng thang máy trong thời gian ngắn cũng có thể khiến nhiều người sau đó tiếp xúc với không khí hoặc bề mặt mang mầm bệnh.
Nút bấm thang máy là một trong những bề mặt có khả năng chứa mầm bệnh cao nhất trong văn phòng. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, nút bấm thang máy có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn cao gấp 40 lần so với bồn cầu công cộng. Các tác nhân như virus cúm, norovirus, vi khuẩn tụ cầu vàng, E. coli... có thể sống trên bề mặt nút bấm trong nhiều giờ và dễ dàng lây lan qua tiếp xúc tay.
Thiết bị công nghệ
Các thiết bị như máy in, photocopy, điện thoại bàn, màn hình cảm ứng, tivi... thường được dùng chung giữa nhiều người. Các thiết bị này thường không được vệ sinh hằng ngày do có yêu cầu riêng về việc vệ sinh. Do đó, mầm bệnh có thể âm thầm tích tụ và dễ lây lan trong môi trường làm việc. Nếu một người đang mang mầm bệnh chạm vào thiết bị, người dùng sau đó có thể bị lây nhiễm nếu chạm vào cùng bề mặt, đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng.
Phòng ăn tập thể
Việc dùng chung ly uống nước, chén đũa, bình trà có thể làm lây lan virus và vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa như viêm gan A hoặc các bệnh qua đường nước bọt như cúm, não mô cầu, thủy đậu. Bên cạnh đó, tủ lạnh ở văn phòng thường không phân loại, chứa thức ăn để lâu ngày, dễ sản sinh vi khuẩn. Khi sử dụng thực phẩm ô nhiễm hoặc hâm nóng không kỹ, nhân viên có thể ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nôn ói.
![]() |
Nhân viên văn phòng tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: An Hoa |
Cách phòng ngừa
Bác sĩ Cầm khuyến cáo, trong môi trường văn phòng, nhân viên nên chủ động bảo vệ bản thân từ việc cơ bản là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, máy in, thiết bị dùng chung... Những thiết bị dùng chung hoặc bề mặt công cộng cần được lau chùi, khử khuẩn thường xuyên.
Bên cạnh đó, không gian làm việc nên được đảm bảo thông thoáng, thông gió phù hợp để tăng cường lưu thông không khí. Mỗi người nên sử dụng riêng biệt đồ dùng cá nhân như ly uống nước, chén đũa, hộp đựng thực phẩm, hạn chế dùng chung thìa, đũa, khăn lau hoặc bình nước.
Một số mầm bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ vaccine. Trong đó, vaccine cúm nên được tiêm nhắc hằng năm để cập nhật chủng cúm mới nhất theo khuyến cáo của WHO. Nhân viên văn phòng cũng có thể lựa chọn tiêm vaccine phế cầu 13 (Prevenar 13), phế cầu 15 (Vaxneuvance), phế cầu 20 (Prevenar 20) và phế cầu 23 (Pneumovax 23). Mỗi loại có số mũi tiêm và phác đồ tiêm khác nhau. Còn vaccine phòng sởi hiện tiêm được từ 6 tháng tuổi, người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.
Một số bệnh lây qua đường hô hấp có thể phòng được bằng vaccine bao gồm: não mô cầu, ho gà, bạch hầu, Hib, thủy đậu. Các mũi tiêm cần thực hiện sớm để tạo kháng thể bảo vệ cơ thể, ngăn trở nặng khi mắc bệnh.
Khi có dấu hiệu bất thường như sốt, ho, đau họng, tiêu chảy hoặc mệt mỏi kéo dài, tốt nhất nên khám và điều trị dứt điểm. Cố gắng đi làm khi mang mầm bệnh không chỉ khiến bệnh trầm trọng hơn mà còn tạo nguy cơ lây nhiễm cho cả văn phòng.
Anh Ninh