Buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia diễn ra sáng 28/3, kéo dài trong gần sáu giờ đồng hồ.
Tại đây, Bộ trưởng cùng hai Thứ trưởng Lê Xuân Định, Hoàng Minh, cán bộ nhân viên tại Uỷ ban dành nhiều thời gian để đi vào các vấn đề gốc rễ trong khái niệm của "tiêu chuẩn", "đo lường" và "chất lượng", từ đó vạch ra mục tiêu, cách tiếp cận mới nhằm phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.
"Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì tiêu chuẩn cần dẫn dắt theo hướng đường đó. Bởi vậy, tiêu chuẩn cần ổn định, toàn diện, hoàn thiện, phải bao phủ tất cả năm lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bao phủ tất cả các ngành. Đó là một nhiệm vụ lớn lao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
![]() |
Buổi làm việc tại Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, sáng 28/3. Ảnh: Lưu Quý |
Dùng tiêu chuẩn dẫn dắt sự phát triển
Theo ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban, thời gian qua Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trong đó chỉ số Hạ tầng Chất lượng NQI của Việt Nam xếp thứ 42 trên 155 quốc gia vào năm 2024. Dẫn báo cáo của các tổ chức về tiêu chuẩn như OECD, ISO, ông Hiệp cho biết đóng góp của lĩnh vực này vào GDP các quốc gia vào khoảng 0,5%-2%, tương đương hàng tỷ USD tại Việt Nam.
Ghi nhận sự đóng góp của Uỷ ban trong lịch sử hơn 60 năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh hoạt động của ủy ban cần duy trì được các yếu tố về bản chất, gốc rễ. Trong đó, tiêu chuẩn là các yêu cầu đưa ra, là yếu tố dẫn đường; đo lường để đánh giá xem có đạt yêu cầu hay không; và quản lý chất lượng là quản lý việc thi các tiêu chuẩn đó.
Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng ba chức năng và nhiệm vụ chính của Uỷ ban cũng cần tạo thành một vòng tròn khép kín, gắn với quy trình "do-check-act" của doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó, tiêu chuẩn có thể coi là "sàn", là yêu cầu để các doanh nghiệp, tổ chức làm theo. Sau đó khi ra thị trường, cần có sự đo lường để đánh giá, nếu thấy bất cập sẽ cải tiến để nâng cao chất lượng. Sau thời gian, mức "sàn" này sẽ được nâng dần lên để nâng cao chất lượng, uy tín và năng lực cạnh tranh. "Việc này sẽ tạo thành một vòng tròn khép kín và cải tiến không ngừng", Bộ trưởng nói.
Nêu thực trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiện nay có tâm lý ít trọng số liệu mà dùng cảm tính nhiều hơn, Bộ trưởng cho rằng ủy ban cần đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự thay đổi tâm lý này. "Cần xây dựng được văn hóa là ra quyết định dựa trên dữ liệu", ông nói, nhấn mạnh việc "đo để ra quyết định đúng, đo để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ".
"Cần để các tổ chức, doanh nghiệp thấy được rằng tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng gắn với việc của họ, là cách để họ tốt lên chứ không chỉ là chi phí tuân thủ. Nếu họ nghĩ đó là việc cho mình, họ sẽ tự nguyện làm", Bộ trưởng nói. Ông cũng nhấn mạnh chất lượng là yếu tố giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia, bảo vệ người dân.
Đưa quy chuẩn vào quản trị quốc gia
Nhắc lại một trong những thông điệp đầu tiên khi dẫn dắt Bộ Khoa học và Công nghệ mới là "bằng mọi giá phải làm, phải có chỉ tiêu đầu ra về mà tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc áp dụng quy chuẩn cần được sớm đưa vào trong việc quản trị quốc gia, thay đổi tư duy trước đây là "quy chuẩn kỹ thuật là quy chuẩn cho hàng hóa".
"Trước đây nhắc đến quy chuẩn kỹ thuật là nhắc tới hàng hóa. Tuy nhiên quy chuẩn kỹ thuật cần được áp dụng được trong quản trị", ông nhấn mạnh, giao cho Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sớm thực hiện việc này.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, sáng 28/3. Ảnh: Lưu Quý |
Theo ông, việc đưa quy chuẩn kỹ thuật trong quản trị quốc gia là áp dụng tư duy kỹ thuật trong quản trị, quản trị có định lượng, có chỉ tiêu đo lường đầu ra. Điều này có thể được thể hiện ở việc các chính sách được ban hành cần phải đảm bảo có chỉ tiêu đầu ra rõ ràng, có thể đo lường đánh giá hiệu quả công khai minh bạch. Việc này, theo Bộ trưởng sẽ giúp tăng khả năng quản trị, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia. "Đây là việc cực kỳ quan trọng trong lúc này để dẫn dắt Việt Nam đến bến bờ mới", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, tăng trưởng với các đột phá về Khoa học Công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số, Bộ trưởng giao Uỷ ban cần tham gia, đồng thời đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tinh gọn bộ máy, năng lượng xanh, giải quyết ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ông cũng giao nhiệm vụ bản thân Uỷ ban phải xây dựng được tiêu chuẩn cho chính mình, ứng dụng mạnh hơn nữa chuyển đổi số, các công nghệ mới như AI để giảm tải 30% khối lượng công việc cho cán bộ, nhân viên, đồng thời dám nhận những công việc lớn.
"Tiêu chuẩn là để dẫn đường. Một quốc gia và hướng tới đâu, muốn đi tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để dẫn dắt quốc gia tới đó", ông nói.
Lưu Quý