Đơn khiếu nại của ông Khanh (cựu bí thư Bến Cát kêu oan hơn 7 năm qua) về các quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương và VKSND tỉnh đã được gửi đến lãnh đạo các cơ quan này; Cục điều tra của VKSND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương... và một số cơ quan khác.
Theo ông Khanh, quyết định khởi tố bị can đối với ông ngày 9/8/2018, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can ngày 9/5, quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự ngày 14/5 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương; quyết định phê chuẩn thay đổi quyết định khởi tố bị can ngày 12/5 của VKSND tỉnh đều "chưa đúng pháp luật".
Động thái này được ông Khanh đưa ra sau 9 ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai "do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội". Quyết định này được Công an tỉnh Bình Dương đưa ra sau khi thay đổi tội danh đối với ông Khanh từ tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Như vậy, sau thời gian cựu bí thư Bến Cát miệt mài kêu oan, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương đã đình chỉ bị can đối với ông, song cho rằng ông phạm tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai, không cần xử lý hình sự vì "hết nguy hiểm" (chứ không bị oan).
Bất ngờ vướng lao lý
Trong đơn khiếu nại ông Khanh cho biết, năm 2012, thông qua ông Nguyễn Hữu Trọng (người môi giới) thì biết bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH SX TM An Tây, đã chết năm 2016) có nhu cầu bán bớt 5 ha đất (đang thế chấp) để trả nợ cho ngân hàng. Được ông Trọng giới thiệu, ông Khanh gặp bà Hiệp và con trai Nguyễn Hiệp Hòa để xem đất và thỏa thuận giá mua. Bà Hiệp ra giá 700 triệu đồng một ha, nhưng sau khi thương lượng thì đồng ý bán cho ông Khanh với giá 650 triệu một ha. Sau khi hai bên thống nhất, bà Hiệp báo cho bên ngân hàng và được họ đồng ý cho giao dịch.
Ông Khanh khẳng định, việc mua đất của bà Hiệp là thông qua người môi giới, không quen biết cán bộ ngân hàng, nên không có việc "cấu kết" như các bản kết luận điều tra trước đó cáo buộc. Tài sản của bà Hiệp đem thế chấp cho ngân hàng không phải tài sản của Nhà nước, nên việc bà chuyển nhượng cho ông với sự đồng ý của ngân hàng là không phạm vào điều cấm hay trái pháp luật.
Tuy nhiên, đến năm 2016, ông Nguyễn Hiệp Hòa tố cáo với Công an Bình Dương rằng, ông Khanh đã móc nối với các cán bộ ngân hàng - nơi bà Hiệp vay tiền, "để buộc phải bán rẻ tài sản".
Hai năm sau ông Khanh bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí với cáo buộc giúp sức cho hai cán bộ ngân hàng trong việc xử lý tài sản thế chấp, gây thất thoát số tiền hơn 35 tỷ đồng.
![]() |
Cựu bí thư thị xã Bến Cát trong lần trình bày đơn kêu cứu tại báo VnExpress. Ảnh: Hải Duyên |
Ngoài ra, quá trình điều tra, Công an Bình Dương xác định ông Khanh còn có hành vi cùng Nguyễn Trung Kiên điều chỉnh ranh đất, giao cho Nguyễn Thành Luân làm thủ tục thửa đất, chiếm phần đất có diện tích hơn 844 m2 còn lại của chị Hảo (con gái bà Hiệp).
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là "yếu tố vụ lợi" trong việc ông Khanh mua tài sản của bà Hiệp để xem xét xử lý về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí, nên không xem xét yếu tố đồng phạm với nhóm cán bộ, cá nhân về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai. Từ đó, vụ án trải qua quá trình tố tụng kéo dài trong nhiều năm.
Phán quyết của TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt ông mức án 10 năm tù về tội danh trên đã bị TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy vì "không có cơ sở vững chắc".
Các cơ quan tố tụng Bình Dương sau đó đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra. Tuy nhiên, kết luận điều tra bổ sung mới nhất vẫn không đưa ra được chứng cứ mới liên quan đến vụ việc, hoặc cơ sở pháp lý để buộc tội ông.
Vì sao đổi tội danh đối với ông Nguyễn Hồng Khanh?
Ngày 9/5, Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Khanh sang tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai. Cơ quan tố tụng Bình Dương kết luận, sau khi mua tài sản thế chấp của bà Hiệp, chị Hảo và Công ty TNHH SX TM An Tây, ông Khanh đã cùng Nguyễn Trung Kiên điều chỉnh ranh đất, để đưa phần đất của bà Hảo thành đất của mình.
Theo ông Khanh, kết luận này là "không đúng và hoàn toàn không có căn cứ pháp lý". Bởi năm 2013 chị Hảo ủy quyền bà Hiệp được toàn quyền giao dịch liên quan đến diện tích đất và tài sản gắn liền đất được UBND huyện Bến Cát cấp cho mình. Việc ủy quyền này được lập thành văn bản và được Lãnh sự quán Mỹ chứng thực. Bà Phương Anh (vợ ông Khanh) sau đó đã mua đất có nguồn gốc của Hảo thông qua bà Hiệp với tổng diện tích 56.463 m2 đã được cấp giấy chứng nhận. Còn ông Kiên mua 20.000 m2 đất của chị Hảo thông qua hình thức mua đấu giá.
Quá trình bán đấu giá phần đất của chị Hảo, cơ quan thi hành án và công ty bán đấu giá đã có sự sai sót dẫn đến một phần đất bà Phương Anh đứng tên bị lấn. Vợ ông hoàn toàn không biết đến sai sót này nên đã không yêu cầu điều chỉnh cho khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi ông Kiên mua trúng đấu giá phần đất của chị Hảo có xin gia đình ông chỉnh lại ranh đất cho thẳng nên hai bên đã tự thỏa thuận điều chỉnh lại. Quá trình điều chỉnh được thực hiện theo đúng quy trình thủ tục. Trên thực tế, việc điều chỉnh ranh đất đã khiến gia đình ông bị thiếu hụt một phần diện tích, chị Hảo không bị thiệt hại gì và ông cũng không có tư lợi.
"Tôi không có chức vụ quyền hạn trong việc cấp giấy, không dùng tiền và không dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu cơ quan quản lý đất đai làm. Như vậy, tôi không là chủ thể phạm tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật Hình sự như quan điểm của Công an tỉnh Bình Dương khi đổi tội danh", ông Khanh phân tích.
Cựu bí thư Bến Cát cho rằng, việc chuyển nhượng đất giữa ông và bà Hiệp là phù hợp với quy định của Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự. Nếu có tranh chấp xảy ra thì thuộc thẩm quyền giải quyết dân sự. Số tiền bán tài sản đủ hay không đủ thu hồi nợ thuộc trách nhiệm của ngân hàng, còn việc điều chỉnh ranh đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu có sai sót thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy có trách nhiệm điều chỉnh hoặc thu hồi theo thủ tục hành chính.
Như vậy, theo ông Khanh, trường hợp của mình là "không có căn cứ phạm tội" được quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự, chứ không phải theo quan điểm của Công an Bình Dương. Ngoài ra, quyết định đình chỉ còn phải nêu rõ lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan...
Từ đó, cựu bí thư Bến Cát đề nghị Công an, VKS tỉnh Bình Dương hủy bỏ các quyết định nói trên và ban hành quyết định đình chỉ mới với lý do "không có căn cứ phạm tội".
Hải Duyên