Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Husk Việt Nam, nói bên lề Diễn đàn Thị trường carbon Việt Nam, ngày 10/4.
Husk là doanh nghiệp sản xuất than sinh học (biochar) đầu tiên tại Đông Nam Á được châu Âu chứng nhận, đang vận hành một nhà máy tại Campuchia. Than sinh học được doanh nghiệp thu về từ quá trình nhiệt phân (ủ nóng) vỏ trấu trong môi trường ít oxy, ở nhiệt độ 450-600 độ C.
Nhà máy dự kiến đặt tại vùng Mekong, gần các cơ sở xay xát để giảm chi phí thu gom và vận chuyển nguyên liệu. Công suất giai đoạn đầu là 3.000 tấn biochar, tương đương 3.000 tín chỉ carbon.
![]() |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Husk Việt Nam, tại sự kiện, ngày 10/4. Ảnh: VnEconomy |
Theo tính toán của Tổng giám đốc Husk Việt Nam, hai tấn trấu nguyên liệu sẽ sản xuất ra một tấn biochar. Một tấn này tiềm năng thu về hơn 100 USD từ bán tín chỉ carbon, đồng thời 300-400 USD từ sản phẩm. Mức giá trên sẽ thay đổi theo thời điểm và cung - cầu thị trường.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Về ứng dụng trong nông nghiệp, biochar giúp tăng hiệu quả hấp thụ đạm cho cây trồng, qua đó giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời hấp thụ carbon vào đất.
Husk đang bán tín chỉ carbon cho các tổ chức châu Âu trên thị trường tự nguyện Campuchia. Việc ứng dụng các sản phẩm biochar sau khi bán tín chỉ khá nghiêm ngặt, cần báo cáo tính tuân thủ, theo ông Tuấn. Ví dụ, người mua biochar phải cam kết sử dụng cho cây trồng và đánh giá khả năng phát sinh CO2 trong quá trình ứng dụng. Nếu phát thải, lượng tín chỉ được cấp sẽ phải bù trừ.
Doanh nghiệp Tây Ban Nha này thành lập pháp nhân tại Việt Nam vào năm ngoái, sau khi nhận vốn 5 triệu USD từ Mekong Capital. Ông Tuấn đánh giá Việt Nam rất tiềm năng với nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào, phù hợp làm nguyên liệu đầu vào cho biochar như vỏ cà phê, bã mía, vỏ dừa, phế phẩm từ cây keo. Tuy nhiên, ông nhìn nhận biochar chưa được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp Việt Nam, nên không mấy doanh nghiệp Việt nhìn thấy cơ hội này.
Thủy Trương