Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/4, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết, muốn bán được xe điện cần phải có chiến lược đầu tư đồng bộ vào hạ tầng sạc để đảm bảo trải nghiệm liền mạch cho người dùng.
"Trạm sạc là chìa khóa quan trọng để phát triển xe điện", ông Vượng nhấn mạnh.
![]() |
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị điều hành đại hội và trả lời các câu hỏi được cổ đông, đại diện các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán đưa ra. Ảnh: VIC |
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cũng cho thấy, hạ tầng sạc đóng vai trò quyết định trong thành công của thị trường xe điện. Na Uy, nơi xe điện chiếm tới 90% lượng xe mới bán ra, đã hỗ trợ lắp đặt trạm sạc từ sớm, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm không quá 50 km.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế dù bán xe điện tại Việt Nam nhưng chưa có kế hoạch đầu tư hạ tầng sạc tương xứng, chủ yếu phụ thuộc vào bên thứ ba. Mới đây, một chủ xe điện của hãng nước ngoài tại TP HCM phản ánh, phải di chuyển lòng vòng qua nhiều địa điểm mới tìm được trạm sạc của hãng xe mình đang sử dụng.
"Người dùng cần sự yên tâm rằng bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng có thể dễ dàng sạc xe", anh Quốc Bảo, cư dân TP Thủ Đức nói.
Hiện nay, trong số các hãng xe điện tại Việt Nam, VinFast là đơn vị duy nhất đầu tư bài bản vào hệ thống trạm sạc, thông qua công ty V-Green. Hệ thống trạm được phủ rộng tại các trung tâm thương mại, khu dân cư, cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng sạc nhanh, sạc chậm tuỳ nhu cầu. Hiện nay, VinFast có tới 150.000 cổng sạc, phủ kín 63 tỉnh thành. Trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, khoảng cách giữa hai trạm trung bình chỉ khoảng 50 km, trong khi tại khu vực đô thị, mật độ thậm chí dày đặc hơn với trung bình 3,5 km giữa các điểm sạc.
![]() |
Hệ thống trụ sạc điện do V-Green phát triển. Ảnh: Quang Anh |
Anh Hoàng Quân, một chủ xe VF 5 cho biết chọn mua xe này một phần vì hệ thống trạm sạc phủ rộng, dễ dàng tiếp cận. Anh đánh giá đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, thậm chí còn hơn cả thiết kế hay tính năng của xe.
"Hàng ngày, tôi sạc xe ở trạm gần nhà, mất khoảng 30 phút cho mỗi lần sạc nhanh, rất tiện lợi", anh Quân cho biết.
Mới đây, V-Green công bố kế hoạch lắp đặt hơn 3.000 trụ sạc tại khu vực Tây Nguyên trong năm 2025, bao phủ các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum. Chiến lược đầu tư hạ tầng sớm không chỉ giúp người dùng an tâm lựa chọn xe điện, mà còn góp phần đưa doanh số xe điện bứt phá. Ngay trong năm 2024, hơn 87.000 xe đã được bàn giao tới tay khách hàng, giúp một thương hiệu Việt lần đầu tiên dẫn đầu thị trường ôtô, vượt qua nhiều hãng xe xăng truyền thống.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho xe điện là hoàn toàn sạch, Vingroup cũng bổ sung thêm trụ cột kinh doanh mới: năng lượng xanh. Ông Vượng nhấn mạnh, việc này sẽ giúp xe điện "xanh từ đầu đến cuối".
Theo giới chuyên gia, việc đầu tư hạ tầng sạc và nguồn điện sạch đồng bộ không chỉ thúc đẩy doanh số xe điện trong ngắn hạn, mà còn tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn. Với chiến lược phát triển hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh từ sản xuất, vận hành trạm sạc đến cung cấp điện sạch, Vingroup đang cho thấy cam kết lâu dài trong việc kiến tạo một thị trường ôtô điện bền vững, đồng bộ và thân thiện môi trường tại Việt Nam.
Minh Ngọc