Ngày 1/7, trên chuyên cơ Không lực Một, Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng Ấn Độ đã sẵn sàng giảm rào cản thương mại với các công ty Mỹ. Việc này có thể mở đường cho một thỏa thuận giúp họ tránh bị áp thuế đối ứng 26% từ ngày 9/7.
"Hiện tại, Ấn Độ chưa mở cửa. Tôi nghĩ rằng nếu họ thay đổi, chúng tôi sẽ có một thỏa thuận với mức thuế thấp hơn rất nhiều", ông nói.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Scott Bessent cũng cho biết trên Fox News rằng Mỹ và Ấn Độ đang tiến gần một thỏa thuận giảm thuế với cả hai bên. "Chúng tôi đến rất gần rồi", Bessent khẳng định.
![]() |
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 27/6. Ảnh: AP |
Quan chức Ấn Độ kéo dài chuyến thăm Washington sang đầu tuần này, để nỗ lực đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nguồn tin của Reuters cho biết. Một quan chức Nhà Trắng cũng tiết lộ chính phủ Mỹ hiện ưu tiên thỏa thuận thương mại với một số nước, trong đó có Ấn Độ, khi hạn chót cận kề.
Đàm phán giữa Mỹ và Ấn Độ hiện vướng mắc ở thuế nhập khẩu với linh kiện ôtô, thép và hàng nông sản. Ngày 1/7, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết tại một sự kiện ở New York: "Chúng tôi đang ở giữa, hy vọng là hơn một chút, của một cuộc đàm phán thương mại rất phức tạp. Dĩ nhiên tôi mong nó kết thúc thành công. Nhưng tôi không thể bảo đảm vì đây là cuộc thảo luận hai bên". Ông cũng nhấn mạnh việc này "sẽ cần sự nhượng bộ" từ cả hai phía để tìm được tiếng nói chung.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ tiếp tục phàn nàn về sự khó khăn khi đàm phán với Nhật Bản. "Chúng tôi đang đàm phán với họ. Không chắc có thể đạt thỏa thuận hay không. Tôi nghi ngờ điều đó", ông Trump nói.
Trước đó, ông cho biết không cân nhắc gia hạn thời gian hoãn thuế. Mỹ sẽ gửi thư thông báo đến từng quốc gia về mức thuế họ phải chịu từ ngày 9/7. Ông Trump nói rằng có thể áp thuế nhập khẩu 30-35% với hàng hóa Nhật Bản, cao hơn đáng kể so với mức 24% ông công bố ngày 2/4.
Tổng thống Mỹ giải thích rằng Nhật Bản vẫn từ chối mua gạo Mỹ, dù Washington đã yêu cầu. Ông Trump cho rằng đây là việc "rất dễ dàng" với Nhật Bản. Trong khi đó, quốc gia này lại bán hàng triệu xe hơi vào Mỹ.
"Vì vậy, tôi sẽ viết thư cho họ, cảm ơn và nói rằng chúng tôi hiểu các ông không thể làm những điều chúng tôi cần. Do đó, các ông sẽ phải chịu mức thuế 30%, 35% hoặc bất kỳ mức nào đó mà chúng tôi quyết định", ông nói.
Đến nay, Mỹ mới đạt thỏa thuận thương mại quy mô nhỏ với Anh. Theo đó, Anh chấp nhận bị áp thuế 10% với nhiều mặt hàng, kể cả xe hơi, để tiếp cận thị trường Mỹ.
Hà Thu (theo Reuters)