Ủy ban châu Âu công bố hệ thống phân loại quốc gia theo mức độ rủi ro trong khuôn khổ Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 22/5. Theo đó, 140 quốc gia, gồm Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, được xếp vào nhóm "rủi ro thấp".
EUDR là một phần trong nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng bất hợp pháp toàn cầu thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các chuỗi cung ứng sản phẩm nông - lâm nghiệp. Quy định này nhắm vào 7 mặt hàng gồm gỗ, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su và thịt bò, cùng một số sản phẩm phái sinh như da, chocolate và đồ nội thất.
Trao đổi với TTXVN, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU nói việc Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" là kết quả tích cực của nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT), cũng như các hoạt động phối hợp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cũng theo phân loại mới công bố, bốn quốc gia Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga được xếp vào hạng "rủi ro cao", thúc đẩy nạn phá rừng. Brazil và Indonesia, vốn có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới, được phân loại "rủi ro tiêu chuẩn". Đây cũng là hai nước phản đối mạnh mẽ EUDR, cho rằng quy định này gây gánh nặng tuân thủ và tốn kém.
Điểm khác biệt chính giữa ba nhóm trên là lượng công ty xuất khẩu bị kiểm tra mức độ tuân thủ. EU sẽ thực hiện kiểm tra tuân thủ với 9% công ty xuất khẩu từ các quốc gia rủi ro cao, 3% từ phân loại rủi ro tiêu chuẩn và 1% với nhóm nước rủi ro thấp.
Thêm vào đó, các công ty ở nước rủi ro cao và rủi ro tiêu chuẩn sẽ cần phải chứng minh thời điểm và địa điểm sản xuất hàng hóa, đồng thời cung cấp thông tin "có thể xác minh" rằng hàng hóa xuất khẩu không được trồng trên đất bị phá rừng sau năm 2020.
Bên cạnh việc công bố hệ thống phân loại quốc gia, EC cũng thông báo một loạt điều chỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính và chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp trong và ngoài khối EU. Một điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp lớn sẽ được phép tái sử dụng các bản kê khai thẩm định kỹ lưỡng trước đó khi tái nhập khẩu hàng hóa đã được đưa vào thị trường châu Âu.
Mặc dù vậy, các nhà hoạt động chính sách chỉ trích quyết định của EU khi áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt nhất chỉ với bốn quốc gia. Ngay cả với nhóm rủi ro thấp, các công ty của họ vẫn phải đối mặt với một số nghĩa vụ thẩm định, dù đơn giản hơn.
Quy định chống phá rừng EUDR sẽ áp dụng với doanh nghiệp lớn từ cuối năm 2025, và với doanh nghiệp nhỏ từ tháng 6/2026. Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 4% doanh thu của họ tại quốc gia xuất khẩu thành viên EU.
Thủy Trương (theo TTXVN, Reuters)