Trong thông điệp gửi 190 nhân viên, Will Etheridge - CEO Southern Energy Management tại Raleigh (Bắc Carolina) - cảnh báo kế hoạch cắt giảm sâu ưu đãi của "dự luật to đẹp" (OBBBA) sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành năng lượng sạch. "Những thay đổi này gần như chắc chắn dẫn đến mất việc làm trong đội ngũ chúng ta. Dù khó nghe, tôi vẫn nói vì các bạn xứng đáng được biết sự thật", Will viết.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã công bố hơn 20 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch tại Bắc Carolina. Trong đó, Southern Energy Management là công ty chuyên lắp đặt điện mặt trời và cải thiện hiệu quả năng lượng cho các công trình.
Họ đã vận động Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis của bang Bắc Carolina đề nghị điều chỉnh OBBBA. Cuối cùng, ông Tillis là một trong 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa và toàn bộ thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối dự luật.
Nhưng OBBBA vẫn được thông qua với kết quả sít sao tỷ lệ 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống hôm 1/7. Dự luật này đang được Hạ viện xem xét để phê duyệt lần cuối, trước khi trình lên Tổng thống Trump ký ban hành thành đạo luật.
![]() |
CEO Southern Energy Management Will Etheridge đang xem xét tấm pin mặt trời sẽ được lắp đặt tại Chapel Hill, Bắc Carolina ngày 2/7. Ảnh: AP |
Kế hoạch cắt giảm chi tiêu của OBBBA định siết các ưu đãi cho năng lượng tái tạo. Trong đó, chấm dứt khoản ưu đãi thuế 30% cho điện mặt trời áp mái dân dụng vào cuối năm nay, vốn được Đạo luật Giảm Lạm phát của chính quyền Biden gia hạn sang thập niên tới.
Nguyên nhân bởi Tổng thống Trump xem các khoản trợ cấp này là một phần của "trò lừa xanh mới" (green new scam). Theo ông, tiền thuế đã được sử dụng không phù hợp để phục vụ cho chương trình nghị sự khí hậu toàn cầu và các nguồn năng lượng như gió, mặt trời.
Một số doanh nghiệp và nhà phân tích tại Mỹ cho rằng dự luật "to đẹp" hậu thuẫn bởi đảng Cộng hòa sẽ đảo ngược đà tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo và khiến nhiều người mất việc. "Ngành điện mặt trời dân dụng sẽ bị nghiền nát bởi dự luật này", Bob Keefe, Giám đốc điều hành tổ chức E2 - nhóm doanh nghiệp ủng hộ chính sách thân thiện với môi trường, cảnh báo.
OBBBA không chỉ nhắm vào điện mặt trời dân dụng mà còn lên kế hoạch giảm dần các khoản ưu đãi thuế dành cho các dự án điện mặt trời và điện gió quy mô lớn. Tuy nhiên, phần dành cho dân dụng sẽ bị cắt đầu tiên và chịu ảnh hưởng nhất.
Cụ thể, phiên bản dự luật được Thượng viện thông qua đã loại bỏ một loại thuế đánh vào các dự án điện gió và điện mặt trời, vốn từng được đề xuất trong phiên bản trước đó. Đồng thời, dự luật cho phép các dự án quy mô lớn khởi công trong thời gian nhất định trước khi ưu đãi thuế bị loại bỏ dần.
![]() |
Cơ cấu nguồn điện của Mỹ hai thập niên gần đây. Đồ họa: AP |
Karl Stupka, Chủ tịch công ty NC Solar Now với khoảng 100 nhân viên, nói dự luật khiến các dự án điện mặt trời thương mại chịu tác động một phần nhưng với dự án dân dụng là sự "phá hủy ưu đãi hoàn toàn". "Họ đã tước đi quyền lợi của người dân bình thường và trao lại cho các chủ doanh nghiệp giàu có", ông nói.
Phân khúc điện mặt trời dân dụng chiếm khoảng 85% doanh thu của NC Solar Now. Ông Stupka dự báo nếu dự luật trở thành luật, các công ty sẽ gấp rút hoàn thành càng nhiều dự án điện mặt trời càng tốt trước khi ưu đãi kết thúc. Ông dự kiến sa thải một nửa số nhân viên và tình trạng mất việc sẽ lan tỏa nơi khác. "Điều này sẽ gây ra một cú sốc khá nghiêm trọng", Stupka cảnh báo.
CEO Will Etheridge của Southern Energy Management cũng bắt đầu cân nhắc kế hoạch sa thải 50-55 nhân viên. Ông gọi việc loại bỏ ưu đãi thuế với điện mặt trời dân dụng là hành vi "treo đầu dê bán thịt chó". Vì tin tưởng vào sự ổn định của chính sách này, ông đã quyết định từ làm công chuyển sang vay tiền bà nội và thế chấp căn nhà để mua cổ phần làm chủ công ty. Giờ đây, ông buộc phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để trụ lại.
Phản biện lại nỗi lo của Will Etheridge và một số doanh nghiệp, Adam Michel - Giám đốc nghiên cứu chính sách thuế tại Viện Cato - cho rằng nếu họ "sống nhờ dòng tiền từ chính phủ liên bang thì lẽ ra không nên tồn tại ngay từ đầu". Ông dự đoán OBBBA không gây ra làn sóng phá sản trong ngành điện tái tạo.
"Họ phải thu hẹp để phù hợp với quy mô thị trường và những người mất việc tại các công ty đó rồi sẽ tìm được công việc tốt hơn, ổn định hơn ở các ngành thực sự có tính khả thi, không cần đến hàng tỷ USD trợ cấp từ chính phủ", ông Michel nói.
Thực tế, ngay cả trước khi dự luật được đưa ra tranh luận, các chuyên gia tại E2 hồi tháng 5 cho biết đã có khoảng 14 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn nước Mỹ bị hoãn hoặc hủy bỏ trong năm nay.
Phiên An (theo AP)