Tính đến 30/6 (trước thời điểm sáp nhập tỉnh thành), cả nước có 34/63 địa phương triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, ở miền Bắc gồm Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La. Tại miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng. Miền Nam gồm Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Dương, TP HCM.
![]() |
Thu gom rác tại Côn Đảo. Ảnh: Gia Chính |
Chỉ có 5 tỉnh, thành ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 4 tỉnh thành ban hành định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tại hội thảo triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, chiều 3/7, ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đặt vấn đề tại sao chính sách phân loại rác chưa đi vào cuộc sống. "Có phải người dân không phân loại rác hay chính quyền chưa quan tâm hay kỹ thuật phân loại khó khăn", ông hỏi.
Chính sách phân loại rác tại nguồn đã ban hành ba năm, thời hạn phân loại rác tại nguồn cũng qua 6 tháng.
Lãnh đạo Urenco cũng hỏi, khi thực hiện chính quyền hai cấp việc quản lý rác thải sẽ đưa về cấp nào vì hiện có nơi đưa về tỉnh, có nơi lại đưa về cấp xã. Ông Tiến đề xuất cần có thống nhất đưa về cấp tỉnh quản lý để tránh manh mún.
"Mỗi tỉnh có trên dưới 100 xã thì làm sao cung cấp dịch vụ cho từng xã được, riêng thủ tục phải làm 100 hợp đồng với 100 xã, thu gom liên xã như thế nào cũng không hiệu quả", ông Tiến băn khoăn.
![]() |
Bà Dương Thị Thanh Xuyến trả lời tại hội thảo. Ảnh: Gia Chính |
Trả lời về nguyên nhân chính sách phân loại rác chưa được triển khai đồng bộ, bà Dương Thị Thanh Xuyến, Cục Môi trường cho rằng, các địa phương còn lúng túng trong áp dụng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; một số định mức, đơn giá áp dụng địa phương chưa phù hợp. Cùng với đó, cơ quan này cho rằng, nhiều địa phương chưa có cơ sở hạ tầng để xử lý sau phân loại, đặc biệt là đối với chất thải thực phẩm.
Cùng với đó, đại diện cơ quan quản lý chia sẻ thời gian qua nhiều địa phương tập trung vào công tác sáp nhập tỉnh, thay đổi từ chính quyền ba cấp thành hai cấp nên chưa tập trung nguồn lực thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.
"Các quy định để thực hiện việc thu gom, phân loại rác như định mức kinh tế kỹ thuật hay bảng giá dịch vụ thì các địa phương phải chờ sáp nhập cấp tỉnh song mới ban hành vì nếu có ban hành trước cũng sẽ không thực hiện được", bà Xuyến nói thêm.
![]() |
Người dân TP HCM phân loại rác. Ảnh: Thành Nguyễn |
Cùng quan điểm trên, ông Hồ Kiên Trung, Cục phó Môi trường bày tỏ lo lắng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong bối cảnh sáp nhập, chuyển đổi chính quyền hai cấp. Thời gian tới, cơ quan môi trường trung ương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến cũng như những vấn đề phát sinh từ công tác quản lý địa phương để có phương án tháo gỡ.
"Một trong những nội dung cần phải quan tâm, thúc đẩy và liên tục thực hiện để không xảy ra tình trạng ùn ứ chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân đó là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các tỉnh thành", ông Trung khẳng định.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương phải triển khai phân loại rác tại nguồn, chậm nhất là 31/12/2024. Mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 6.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại 1.548 cơ sở. Trong đó, phương pháp chôn lấp vẫn chiếm chủ yếu với 1.178 cơ sở, hơn 687 cơ sở không hợp vệ sinh, 330 cơ sở đốt không phát điện, 30 cơ sở sản xuất phân compos.
Gia Chính