Theo đó, ngày 22/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ bàn giao 6 căn nhà mới cho các hộ nghèo trên địa bàn trong tổng số 84 căn ngân hàng tài trợ cho huyện Văn Chấn đợt một. Đây là một phần trong chương trình an sinh xã hội lớn do BIDV tài trợ với tổng kinh phí 36 tỷ đồng nhằm xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Yên Bái.
Các căn nhà được bàn giao có diện tích 50 - 70 m2, kinh phí 60 triệu đồng một căn với kết cấu tường gạch, mái lợp fibro xi măng, nền xi măng và hệ thống điện đầy đủ, đảm bảo các tiêu chuẩn về sinh hoạt và an toàn cho người dân. Công trình này được khởi công từ đầu năm và hoàn thành vào tháng tư, vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Yên Bái (thứ tư bên phải) trao nhà mới cho gia đình ông Giàng Vảng Dinh (áo vest ghi). Ảnh: Việt Linh |
Một trong những hộ dân tại xã Cát Thịnh được nhận nhà trong đợt này là gia đình ông Giàng Vảng Dinh, sinh năm 1956, thôn Pín Pé. Ông Dinh hiện sống cùng vợ, hai con trai và cháu nội 3 tuổi (mồ côi mẹ từ nhỏ), trong căn nhà cũ xuống cấp, mái dột mỗi khi mưa gió, tường nứt, không còn khả năng che mưa nắng. Dù ngôi nhà đã cũ nát, trên tường vẫn treo trang trọng những giấy chứng nhận ghi nhận đóng góp của ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Đại diện BIDV (bên trái) trò chuyện với gia đình ông Giàng Vảng Dinh trong căn nhà cũ xuống cấp. Ảnh: Việt Linh |
Ông Giàng Vảng Dinh từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 tại mặt trận Cam Đường (Lào Cai), là người có công với cách mạng. Hiện nay, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, trồng sắn, ngô - những cây trồng mang lại thu nhập không ổn định và chỉ đủ để cầm cự qua ngày.
"Tôi không nghĩ có ngày được ở trong ngôi nhà kiên cố, chắc chắn thế này. Làm được cái nhà to như vậy là hợp quá rồi, tôi rất vui và biết ơn chính quyền cùng các nhà tài trợ đã giúp đỡ gia đình tôi ổn định cuộc sống", vừa nói ông Dinh vừa lấy tay quẹt vội nước mắt.
Giống trường hợp ông Dinh, chị Giàng Thị Lề, sinh năm 1989, sống tại thôn Ba Chum, xã Cát Thịnh cũng nằm trong 6 căn hộ được bàn giao nhà mới. Chị Lề sinh được 12 người con, trong đó một bé mất sớm, một người con trai bị khiếm thính. Chị sinh con đầu lòng năm 13 tuổi, đến nay con lớn nhất đã 20 tuổi, có gia đình riêng và hai con nhỏ, còn bé út mới hơn 4 tháng tuổi. Cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và đi làm thuê.
![]() |
Chị Giàng Thị Lề cùng hai con nhỏ tại góc bếp của gia đình. Ảnh: Việt Linh |
Trước khi được hỗ trợ xây dựng nhà mới, cả đại gia đình chị Lề sống chen chúc trong một căn nhà tạm được dựng bằng những thân tre mảnh làm trụ, mái lợp tạm bằng các tấm fibro xi măng cũ kỹ, nhặt nhạnh từ nhiều nơi. Nền nhà là lớp đất gồ ghề, lồi lõm. Trong không gian chật hẹp khoảng 40 m2, một chiếc giường ghép từ những tấm gỗ cũ mục nát là nơi nghỉ ngơi của cả gia đình. Kế bên là khu bếp đơn sơ với vài chiếc nồi méo mó, một túi muối và gói bột canh treo tạm bên vách - những vật dụng thiết yếu cho bữa ăn đạm bạc thường ngày.
"Ngôi nhà mới giúp gia đình tôi có điều kiện ổn định cuộc sống", chị Lề nói.
Từ năm 2021 đến nay, xã Cát Thịnh đã triển khai xây dựng hơn 40 căn nhà mới cho các hộ nghèo. Riêng năm 2025, xã rà soát và xác định có 6 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ. Tất cả đều là hộ nghèo, yếu thế, thu nhập không ổn định, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số và người cao tuổi.
Tại sự kiện bàn giao, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Phó ban chỉ đạo công tác xóa nhà dột nát địa bàn xã Cát Thịnh cho biết việc xây dựng và bàn giao nhà cho các hộ khó khăn không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau phát triển bền vững của doanh nghiệp đối với cộng đồng.
Theo ông Dũng, các công trình đạt tiêu chuẩn về quy mô và chất lượng, có thể sử dụng tối thiểu 20 năm. "Với mức hỗ trợ 60 triệu đồng mỗi căn, chúng tôi vẫn đảm bảo xây dựng một căn nhà kiên cố cùng nhà vệ sinh, đáp ứng tiêu chí về vệ sinh môi trường, góp phần giúp xã sớm cán đích nông thôn mới vào cuối năm nay", ông Dũng nói.
Đại diện BIDV, bà Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Yên Bái chia sẻ những căn nhà ọp ẹp, mái dột, tường mục nát, là nơi trú ngụ tạm bợ, thiếu thốn đủ bề. "Việc hỗ trợ xây nhà không chỉ là một hoạt động xã hội mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình, các gia đình nghèo có điều kiện sống ổn định hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống", bà Phương nói.
Theo bà, đây cũng là cách BIDV hiện thực hóa mục tiêu an sinh xã hội, góp phần xây dựng một xã hội phát triển công bằng, bền vững với tinh thần "an cư, lạc nghiệp".
![]() |
Một góc xã Cát Thịnh từ trên cao. Ảnh: Việt Linh |
Tại Yên Bái, BIDV đã tài trợ 36 tỷ đồng nhằm hỗ trợ xây dựng 600 căn nhà kiên cố thay thế cho các nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công. Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ hơn 2.208 căn nhà tạm, bằng cách xây mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ dân. Tính đến nay, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng được hơn 2.087 căn nhà, đạt hơn 90% kế hoạch đề ra. Tỉnh phấn đấu hết tháng 8 sẽ hoàn thành mục tiêu xóa 100% số nhà tạm, dột nát đã đề ra.
Nguyễn Phượng