Chương trình do Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và là một hoạt động nằm trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật TA10094-VIE: Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu của ADB dành cho Chính phủ Việt Nam. Đơn vị tư vấn thực hiện chương trình là Công ty PwC Việt Nam.
Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của ABBank nhằm khuyến khích các sáng kiến phát triển bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Ngân hàng hướng tới thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực tài chính xanh, đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng và khách hàng doanh nghiệp.
![]() |
ABBank khởi động chương trình "Nâng cao năng lực về ngân hàng xanh" do Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản tài trợ thông qua ADB, PwC thực hiện. Ảnh: ABBank |
Chương trình triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật từ ADB, PwC và Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative - CBI), tập trung vào việc tăng cường năng lực tài chính xanh của ABBank. Một trong những trọng tâm là xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là các công ty do phụ nữ sở hữu hoặc điều hành (WSME).
Dự án giúp ABBank đánh giá các khoảng trống trong triển khai ngân hàng xanh, bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính bền vững trong nước và quốc tế, xây dựng báo cáo công bố thông tin phù hợp với các yêu cầu hiện hành, phát triển sản phẩm tài chính xanh theo định hướng chiến lược. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành sẽ là nhóm được chú trọng như một phần trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển toàn diện.
Cụ thể, PwC sẽ phối hợp với ABBank tiến hành đánh giá toàn diện các yếu tố liên quan đến hoạt động ngân hàng xanh. Các nội dung chính bao gồm: đánh giá danh mục tín dụng xanh theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, phân loại theo quy mô dự án; rà soát chiến lược và chính sách tài chính xanh của ngân hàng; đánh giá quy trình tín dụng cho các khoản vay xanh từ khâu hồ sơ đến thẩm định và phê duyệt; rà soát các sản phẩm tín dụng xanh hiện có; đánh giá hệ thống thông tin quản lý (MIS) trong việc theo dõi, phân loại và báo cáo danh mục tín dụng xanh.
![]() |
Ông Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc ABBank, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch Công ty TNHH PwC Việt Nam và ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam (từ trái sang) tại lễ khởi động. Ảnh: ABBank |
Ngoài ra, chương trình cũng xem xét khả năng nhận diện và quản lý rủi ro môi trường, bao gồm rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội trong hoạt động tín dụng. PwC sẽ đánh giá năng lực quản trị rủi ro của ABBank đối với các dự án xanh, đồng thời, xem xét khả năng xây dựng và phát hành trái phiếu xanh cho ngân hàng và khách hàng.
Một phần quan trọng khác là rà soát các chỉ số hoạt động (KPI) liên quan đến ngân hàng xanh và phương thức công bố thông tin, bên cạnh việc xây dựng chiến lược tài chính xanh cho một số lĩnh vực cụ thể theo đặc thù hoạt động của ABBank.
Trong khuôn khổ chương trình, ABBank cũng được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự chuyên trách. Qua đó, ngân hàng có thể tạo nền tảng vững chắc cho việc vận hành hiệu quả các mô hình tài chính xanh trong dài hạn.
Phát biểu tại lễ khởi động, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đánh giá ABBank đã thể hiện rõ cam kết với tài chính bền vững khi thành lập Ủy ban Chiến lược Phát triển Bền vững về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) để phát triển, triển khai và giám sát các hoạt động và sáng kiến liên quan.
![]() |
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam. Ảnh: ABBank |
Chương trình "Nâng cao năng lực về Ngân hàng xanh" đối với ABBank cũng phù hợp với các ưu tiên chiến lược của ADB, thể hiện trong Chiến lược 2030 và Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) tại Việt Nam. Đây là sáng kiến nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong nước nâng cao năng lực tài chính xanh, đóng góp vào lộ trình xanh hóa hệ thống tài chính Việt Nam.
Chương trình dự kiến được triển khai trong vòng 20 tháng, qua đó, đặt nền móng cho chiến lược phát triển dài hạn và mở rộng hợp tác của ABBank với các định chế tài chính quốc tế.
Ông Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc ABBank chia sẻ, lễ khởi động chương trình là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác kỹ thuật, minh chứng cho tinh thần đồng hành, tôn trọng và cùng hướng tới phát triển bền vững giữa các bên liên quan.
"Chúng tôi kỳ vọng, với sự hỗ trợ từ ADB và các đối tác, ABBank sẽ hoàn thiện khung năng lực ngân hàng xanh, từ đó mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính bền vững", ông nói thêm.
![]() |
Ông Phạm Duy Hiếu - Tổng giám đốc ABBank. Ảnh: ABBank |
Trước đó, vào tháng 11/2024, ABBank, ADB và ERM đã khởi động dự án xây dựng Hệ thống Quản lý Môi trường và Xã hội (ESMS) cho hoạt động tài trợ thương mại. Đây là bước đi quan trọng trong việc tích hợp yếu tố môi trường và xã hội vào quy trình cấp tín dụng thương mại, nâng cao hiệu quả kiểm soát rủi ro và khẳng định trách nhiệm xã hội của ngân hàng.
Tháng 6/2025, ABBank tiếp tục triển khai chương trình Đánh giá khoảng cách giới và các hoạt động nâng cao nhận thức giới cho đội ngũ cán bộ ngân hàng. Chương trình được thực hiện dưới sự hỗ trợ của ADB và nguồn vốn từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi). Đơn vị tư vấn là Công ty quốc tế Palladium phối hợp cùng MeKong Economics, với cả phương pháp đánh giá định lượng và định tính.
Qua đây, ABBank muốn xây dựng báo cáo với các khuyến nghị cụ thể nhằm giúp đơn vị đưa lăng kính giới vào hoạt động ngân hàng, phát huy tiềm năng của phân khúc khách hàng nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành.
Dự kiến, chương trình Đánh giá khoảng cách giới sẽ hoàn thành trong vòng 5 tháng, làm nền tảng cho các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực tài chính.
Song song với các dự án hướng tới tài chính xanh và phát triển bền vững, trong năm 2025, ABBank đẩy mạnh hợp tác với nhiều tổ chức như SVF, VietED Group, Hệ thống Y tế 315... nhằm triển khai các sáng kiến kinh doanh gắn với phụng sự xã hội. Những hoạt động này nằm trong chiến lược dài hạn của ABBank, thể hiện rõ cam kết đóng góp cho cộng đồng và phát triển bền vững tại Việt Nam.
(Nguồn: ABBank)