Nội dung này được đề cập trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, được Chính phủ phê duyệt hôm 27/2.
Đây là 5 trường, học viện công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực công nghệ then chốt, mũi nhọn. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Những trường này cùng các đại học quốc gia và một số đại học vùng đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và chuyển đổi số quốc gia.
Danh sách 5 trường đại học được chọn và các lĩnh vực, ngành trọng điểm:
Cơ sở giáo dục đại học
Lĩnh vực, ngành trọng điểm
Đại học Bách khoa Hà Nội
- Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống
- Toán và thống kê
- Máy tính và công nghệ thông tin - Kỹ thuật
Đại học Xây dựng Hà Nội
Kiến trúc và xây dựng
Đại học Giao thông vận tải
Giao thông và vận tải
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Máy tính và công nghệ thông tin
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
Công nghệ kỹ thuật
Theo quy hoạch đến năm 2030, quy mô đào tạo lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán) của Việt Nam lên khoảng 1 triệu người học, trong đó có 1% trình độ tiến sĩ, 7% thạc sĩ.
Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển các trường đại học có thế mạnh nghiên cứu, đào tạo ngành, lĩnh vực STEM gắn với định hướng phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của từng vùng.
Các trường có thế mạnh về Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống được ưu tiên đầu tư tại 4 vùng động lực và Tây Nguyên, phục vụ các ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, năng lượng, môi trường, kinh tế biển.
Trường có thế mạnh về máy tính và công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, điện tử và truyền thông sẽ được ưu tiên phát triển tại 4 vùng đô thị lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nam Trung Bộ, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp phần mềm, công nghiệp bán dẫn, điện tử, viễn thông, năng lượng.
Những trường có thế mạnh về kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa, xây dựng và giao thông tập trung phát triển ở vùng Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, vùng đô thị Cần Thơ để phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, năng lượng, xây dựng và giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển.
![]() |
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên theo học khối ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) tăng hơn 10% mỗi năm.
Nếu tính trên tổng số sinh viên, tỷ lệ theo lĩnh vực STEM gần đây khoảng 27-29% (khoảng 560.000 - 600.000 người). Tỷ lệ này thấp hơn Singapore và Malaysia là 46% và 50%, Hàn Quốc, Phần Lan, Đức dao động 35-39%. Nếu tính riêng các ngành Khoa học tự nhiên và Toán, tỷ lệ chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3-1/5 của Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore và Đức.
Lệ Nguyễn