Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29/3 cho biết năm ngoái, gần 615.000 thí sinh nhập học đại học, chiếm hơn 85% số trúng tuyển.
Trong đó, 27,86% số thí sinh nhập học bằng phương thức xét học bạ THPT. Tỷ lệ này giảm đều trong ba năm qua. So với năm 2022, mức giảm là 9,32%.
Tỷ lệ trên tính theo số thí sinh xét thuần bằng học bạ, không tính thí sinh xét tuyển kết hợp với tiêu chí khác như điểm thi năng khiếu, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế, phỏng vấn...
Ngược lại, tỷ lệ thí sinh nhập học sau khi trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp lần đầu vượt 50% trong ba năm, ở mức 52,18%.
Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sử dụng hơn 20 cách xét tuyển. Xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ chiếm chủ yếu với khoảng 80% số thí sinh nhập học hàng năm.
Trong đó, xét tuyển học bạ gây tranh cãi dai dẳng. Nhiều ý kiến cho rằng cách này không đảm bảo chất lượng, công bằng, đặc biệt khi nhiều trường đại học xét từ tháng 2-3 và chỉ dùng điểm 2-5 học kỳ ở bậc THPT.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo siết phương thức này. Các trường không được xét tuyển sớm, nếu dùng học bạ phải tính điểm cả năm lớp 12. Nhiều trường đã thông báo bỏ xét tuyển bằng học bạ độc lập như Đại học Thương mại, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Thái Nguyên, hay các trường khối công an...
Dương Tâm