Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội) đầu tháng này công bố tuyển sinh 4 ngành khối Sức khỏe là Dược học, Điều dưỡng, Y học cổ truyền và Y khoa bằng 5 tổ hợp.
Ngoài B00 (Toán, Hóa, Sinh) hay A00 (Toán, Lý, Hóa) - hai tổ hợp truyền thống, trường này còn dùng A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh).
Trước đó, trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đăng tuyển ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm, Điều dưỡng và Y tế công cộng với nhiều tổ hợp. Trong đó, môn Toán là bắt buộc. Môn thứ hai có thể là Lý/Hoá/Sinh. Còn lại, các em được chọn một môn có điểm cao nhất trong các môn Sinh, Hoá, Lý, Văn, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ.
Như vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng ba môn Toán, Lý, Công nghệ hay Toán, Lý, Văn.
Còn ở trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam), thí sinh được dùng điểm khối A01 (Toán, Lý, Anh) để đăng ký vào ngành Y khoa hay Răng Hàm Mặt.
Những năm trước, một số trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y, nhưng hai môn còn lại đều có Hóa hoặc Sinh, bên cạnh môn Toán.
Với khối ngành Sư phạm, năm nay, có trường không xét đến điểm môn học liên quan đến chuyên ngành giảng dạy. Như trường Đại học Đồng Tháp tuyển ngành Sư phạm Vật lý và Hóa học bằng khối D01, cùng một số tổ hợp không có môn Lý hoặc Hóa.
Tương tự tại trường Đại học Khánh Hòa, thí sinh có thể dùng điểm khối D07 (Toán, Hoá, Anh), B00 để nộp vào ngành Sư phạm Vật lý.
Ngành Sư phạm Lịch sử ở Đại học Thủ đô Hà Nội xét bằng cả D01, C04 (Văn, Toán, Địa), C14 (Văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ngành Sư phạm Tiếng Anh và Vật lý cũng dùng ba tổ hợp không có môn tương ứng.
Còn ở trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, ngành Sư phạm Lịch sử tuyển cả bằng khối D01 và C20 (Văn, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Xu hướng này cũng xuất hiện ở khối ngành Ngôn ngữ.
Đại học Hòa Bình tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh và Trung Quốc bằng C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý). Hai ngành này ở Đại học Thủ đô Hà Nội xét cả C03 (Văn, Toán, Sử), C04 (Văn, Toán, Địa) và C14 (Văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
![]() |
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần |
Theo quy chế tuyển sinh đại học, năm nay các trường không bị giới hạn tổ hợp xét tuyển vào một ngành như trước. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong đào tạo.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, nói bất ngờ khi biết có trường xét tuyển các ngành Ngôn ngữ hay Sư phạm mà không dùng tổ hợp có môn tương ứng.
Như với ngành ngôn ngữ, ông cho biết để học tốt, sinh viên phải có tư duy và năng khiếu. Do đó khi tuyển sinh, các trường thường dùng tổ hợp có môn Tiếng Anh.
"Điểm số môn này phần nào đánh giá khả năng học ngôn ngữ, xác định thí sinh có đủ điều kiện để tiếp nhận kiến thức ở bậc cao hơn hay không", ông Hạ nhìn nhận.
Bà Bùi Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cùng quan điểm. Theo bà, với cách tuyển như trên, các trường phải mất thời gian kiểm tra, xếp loại sinh viên để điều chỉnh chương trình. Cả trường và thí sinh đều gặp khó.
Với các ngành Sức khỏe có cấp giấy phép hành nghề bác sĩ như Y khoa, Răng Hàm Mặt hay Y học cổ truyền, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền, nhìn nhận "không sử dụng tổ hợp có Toán, Hoá, Sinh là rất nguy hiểm".
Theo ông, đây là những kiến thức nền tảng mà sinh viên theo học các ngành này phải có. Nếu không, họ sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập cũng như hành nghề sau này.
"Các trường có thể bổ sung thêm điểm Văn, Lý, Ngoại ngữ vào tổ hợp hoặc làm điều kiện xét tuyển nhưng không thể lấy các môn này ra để thay thế Toán, Hóa, Sinh", theo ông Cảnh.
Còn TS Đặng Văn Sơn, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng cách tuyển đầu vào như trên là "vơ bèo vạt tép".
"Các trường phải tận thu nguồn tuyển như thế này đều không phải đại học top đầu, chắc chắn chất lượng tuyển sinh không cao nên không thể kỳ vọng nhiều vào việc tự học của sinh viên", TS Sơn nói.
Ông dẫn ví dụ nhiều sinh viên ông đang dạy không thi đầu vào bằng môn Vật lý. Đến khi học các môn đại cương Vật lý, các em gần như không nhớ kiến thức dù từng học ở bậc THPT. Nếu chấm điểm nghiêm khắc, họ đều trượt.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm soát việc tuyển sinh bằng tổ hợp "lạ", bởi việc này có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực về sau.
Ông Đậu Xuân Cảnh đề xuất tương tự.
"Đã đến lúc cần có quy định về điều kiện xét tuyển các ngành sức khoẻ, trong đó nêu Toán, Hoá, Sinh phải được xem như ngưỡng kiến thức cơ bản đầu vào tuyển sinh khối ngành này", ông Cảnh nói.
Dương Tâm - Lệ Nguyễn