Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/3 cho biết Chính phủ đã ban hành nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.
Một trong những điểm mới là điều chỉnh cách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm. Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng hình thức giao dự toán, theo phân cấp ngân sách.
Địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên có thể theo hình thức giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc, hoặc đặt hàng các trường khác. So với trước, không còn hình thức đấu thầu đào tạo giáo viên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với những quy định này, các trường đại học và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, từ đó yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Điều này cũng khắc phục một số hạn chế như địa phương khó khăn, không đủ kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hay quy định về đấu thầu không rõ ràng.
![]() |
Sinh viên trong ngày hội việc làm của Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 4/2024. Ảnh: Fanpage nhà trường
Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm gồm ba diện: nhu cầu xã hội; giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; tự do.
Sinh viên hai nhóm đầu được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng. Điều kiện là trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp, họ phải làm việc trong ngành giáo dục, thời gian làm việc dài gấp đôi chương trình đào tạo. Nếu không, họ bị buộc hoàn lại tất cả chi phí.
Hiện hàng năm, hàng nghìn sinh viên sư phạm bị nợ tiền hỗ trợ do việc "đặt hàng" đào tạo theo nghị định 116 từ các địa phương và phân bổ kinh phí còn nhiều vướng mắc.
Thống kê của Bộ năm 2023 cho thấy chỉ có 23/63 địa phương "đặt hàng" đào tạo giáo viên. Tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ theo diện này chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Hơn 75% còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nghị định 60 cũng bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên bị buộc phải bồi hoàn tất cả chi phí.
Bộ giáo dục và Đào tạo đánh giá sau ba năm triển khai chính sách hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, số lượng thí sinh và phụ huynh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên; tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ nhập học tăng mạnh; nâng cao chất lượng giáo viên.
Năm ngoái, ngành Sư phạm vào top 4 lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng nhất. Nhiều trường tăng điểm chuẩn. Như tại Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên tới 29,3/30.
Dương Tâm