Hai tuần trước, Võ Thanh Hoàng Anh, 23 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), ngành Công nghệ thông tin, Đại học RMIT. Với điểm tuyệt đối 4.0, nữ sinh là thủ khoa của khoa, đồng thời thuộc nhóm 2% sinh viên có thành tích cao nhất trong hệ thống đại học này.
![]() |
Hoàng Anh trong ngày tốt nghiệp, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hoàng Anh là cựu học sinh chuyên Toán, trường chuyên Thoại Ngọc Hầu, An Giang. Năm lớp 10, nữ sinh được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Tin của trường. Nhưng theo định hướng của gia đình, Hoàng Anh sau đó ôn thi đại học theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), trúng tuyển ngành Y khoa chất lượng cao của một trường đại học ở TP HCM.
Lúc này, nữ sinh băn khoăn. Hoàng Anh vẫn thấy mình phù hợp hơn với công nghệ bởi có thể phát huy thế mạnh tư duy logic và phân tích dữ liệu. Sau thời gian cân nhắc và bàn với gia đình, Hoàng Anh quyết định chuyển hướng, chọn ngành Công nghệ thông tin.
"Mình không biết có chọn đúng không, chỉ chắc chắn một điều là mình thích ngành này hơn", nữ sinh kể.
Lựa chọn này khiến Hoàng Anh vào đại học chậm hơn bạn bè một học kỳ. Cô trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, của Đại học RMIT vào đầu năm 2021.
Học một chuyên ngành mà nam giới chiếm đa số, Hoàng Anh cũng có lúc cảm thấy lạc lõng và thiếu tự tin, sợ không đủ sức. Dù vậy, cô gái quê An Giang nhìn nhận nếu có niềm tin vào bản thân và kiên trì học hỏi, cơ hội học tập và phát triển đều sẽ đến. Do đó, Hoàng Anh xây dựng kế hoạch học tập để đạt kết quả tốt nhất.
Đầu mỗi học kỳ, nữ sinh thống kê tất cả bài tập, bài kiểm tra... để có cái nhìn tổng quan về những gì sắp học, biết thời điểm nào cần tập trung nhiều hơn. Nữ sinh dùng ứng dụng theo dõi học tập để ghi lại thời gian tự học cho từng môn, đảm bảo đủ 72 giờ theo khuyến nghị của nhà trường.
Ngoài ra, Hoàng Anh duy trì thói quen học nhóm đã có từ cấp ba. Nữ sinh thấy học chung với bạn bè giúp bản thân có động lực và năng lượng tích cực để tiếp thu bài tốt hơn. Nữ sinh cũng chủ động tới thư viện hoặc tra cứu tài liệu trên mạng để đọc thêm.
Môn học mà Hoàng Anh thấy thú vị nhất là Quản lý dự án kỹ thuật phần mềm, học vào năm thứ hai. Với yêu cầu thực hiện một dự án cho trường, Hoàng Anh cùng ba bạn khác làm Hệ thống cho mượn linh kiện trực tuyến (OBS).
Nữ sinh cho biết đã theo đuổi ý tưởng này từ năm thứ nhất, khi thấy sinh viên phải trải qua nhiều bước như điền biểu mẫu, xin xác nhận từ giảng viên... mỗi khi mượn thiết bị. OBS giúp quá trình này gọn nhẹ, nhanh chóng hơn khi có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn, được RMIT đưa vào sử dụng trong học kỳ sau đó.
Quá trình làm OBS cũng khiến nữ sinh thêm hứng thú với lĩnh vực đang theo đuổi.
"Việc phân tích một tình huống thực tế, chuyển hóa nó thành ngôn ngữ của công nghệ và xây dựng các giải pháp mang tính ứng dụng là điều khiến mình cảm thấy vừa thú vị, vừa có giá trị", Hoàng Anh nói.
![]() |
Hoàng Anh trình bày tại một workshop khi hỗ trợ học tập cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong đồ án cuối khóa, Hoàng Anh và ba bạn cùng nhóm chọn đề tài hỗ trợ điều trị những bệnh nhân lao kháng thuốc, thực hiện cùng Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Mục đích là tạo ra công cụ AI để phân tích các mẫu xét nghiệm, xem bệnh nhân lao có thể kháng loại thuốc nào, từ đó gợi ý bác sĩ chọn thuốc phù hợp.
Nghiên cứu bắt đầu từ tháng 4/2024, được nhóm thực hiện trong khoảng nửa năm. Hoàng Anh là trưởng nhóm và là lập trình viên chính. Quá trình nghiên cứu giúp cô có thêm kinh nghiệm xử lý sự cố, bình tĩnh tìm hướng đi khác nếu ra kết quả không như mong đợi. Nghiên cứu này sau đó được chấp nhận trình bày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 18 về Kỹ thuật Y sinh ở Singapore.
Là giáo viên giám sát Hoàng Anh và nhóm làm đồ án tốt nghiệp, TS Nguyễn Thị Thủy, giảng viên cấp cao về AI tại RMIT VIệt Nam, đánh giá cao khả năng chuyên môn và lãnh đạo của Hoàng Anh. Cô Thuỷ thấy điều này khi nữ sinh dẫn dắt nhóm ứng dụng các phương pháp học máy tiên tiến để xử lý vấn đề liên quan thị giác máy tính.
"Hoàng Anh thể hiện sự nhạy bén nổi trội trong nghiên cứu và chuyên môn kỹ thuật. Năng lực tư duy phản biện dưới áp lực và duy trì sự chú ý đến từng chi tiết của em đóng vai trò quan trọng với thành công của dự án", cô Thủy nói.
![]() |
Hoàng Anh (thứ tư từ trái sang) cùng các thành viên đội bóng chuyền của trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ngoài thành tích trong trường, Hoàng Anh từng giành giải nhất cuộc thi GenAI & Cyber Security Hackathon (vòng quốc gia), giải nhì ANZ Hack to Hire Contest, giải ba International Quant Championship - Stage 1, vào năm 2024.
Hoàng Anh thấy bốn năm học về AI cũng giúp bản thân thay đổi suy nghĩ, cách nhìn về công cụ này. Trước kia, hình dung của cô về AI còn mơ hồ. Cô nghĩ AI là những thứ cao siêu, trong các phòng nghiên cứu lớn hoặc những mô hình học thuật phức tạp. Nhưng đến giờ, AI xuất hiện nhiều trong cuộc sống, từ các chatbot nói chuyện, hỗ trợ khách hàng tới các sản phẩm nhận diện, tự hành...
Từ giữa năm ngoái, Hoàng Anh bắt đầu làm việc tại một tập đoàn của Australia, với vị trí kỹ sư vận hành mô hình học máy. Công việc hàng ngày của cô là sử dụng AI để phân tích các nội dung làm việc với khách hàng, đề xuất các điểm cần cải thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ của công ty. Nếu có cơ hội, nữ sinh nói sẽ học hoặc nghiên cứu về AI ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao chuyên môn.
Thanh Hằng