Ba cuốn Sài Gòn năm xưa - Sài Gòn tạp pín lù - Sài Gòn dưới mắt tôi (Vương Hồng Sển) được Nhà xuất bản Trẻ phát hành với bản bìa cứng. Theo đơn vị, loạt sách mang phong cách kể chuyện thong thả đặc trưng của cụ Vương Hồng Sển, bên cạnh lượng thông tin phong phú, khó tìm thấy ở tài liệu phổ biến.
![]() |
Bìa sách "Sài Gòn năm xưa" của học giả Vương Hồng Sển. Ảnh: Trẻ |
Ngoài ra, ba ấn phẩm của học giả Trương Vĩnh Ký được giới thiệu dịp này. Gia Định phong cảnh vịnh gồm bộ ba bài phú: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh. Cụ Trương Vĩnh Ký chép ba bài ra chữ quốc ngữ và dẫn giải, chú thích vào năm 1882. Về sau, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết lời giới thiệu về ba bài phú trên, để độc giả khi thưởng thức hiểu rõ hơn lời lẽ, hoàn cảnh sáng tác. Dù là tập sách mỏng, tác phẩm gợi nhắc nhiều về những địa danh, con người, câu chuyện ít ai tường tận ngày nay.
Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) là diễn văn do học giả Trương Vĩnh Ký viết và đọc tại trường Thông ngôn khi ông làm giám đốc, được in lại trong tập san Du ngoạn và Thám sát (Excursions et Reconnaissances) năm 1885. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích, với đoạn mở đầu: "Chúng ta hãy rảo khắp Sài Gòn cổ, hãy tham quan hết mọi nẻo vùng và nói lên những nhận định về mặt địa lý lẫn lịch sử. Sài Gòn thời xưa thế nào? Trước và dưới triều đại Gia Long? Dưới thời Minh mạng, Thiệu Trị và Tự Đức ra sao? Cảnh vật Sài gòn khi người Pháp mới tới thế nào?".
Sách đưa người đọc trở về thời cựu trào đến khi người Pháp xâm lược. Trong quá trình đó, diện mạo, địa danh Sài Gòn thay đổi với nhiều đường phố, dinh thự mới. Nhờ Trương Vĩnh Ký ghi lại, sách được nhận xét là tư liệu quý trong kho sử liệu về Sài Gòn - TP HCM, với phần bản gốc tiếng Pháp. Sách còn có phần sơ đồ và hình ảnh xưa, như bản đồ Sài Gòn 1795, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1873, cảnh đường Đồng Khởi khi người châu Âu mới tới, cảnh cảng Bến nghé và đầu đường Kinh Lấp (Nguyễn Huệ ngày nay).
![]() |
Bìa sách về Sài Gòn của nhà văn Sơn Nam. Ảnh: Trẻ |
Sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu gồm hai cuốn: Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859), Hỏi và đáp về địa lý Sài Gòn - Gia Định. Cuốn thứ hai tập hợp hơn 70 câu hỏi đáp, giới thiệu tổng quan về thành phố từ thế kỷ 17 đến năm 1975. Tác giả giải đáp nhiều thắc mắc như vì sao Bến Nghé vừa là hải cảng vừa là giang cảng, thành Gia Định xưa ở đâu trên bản đồ thời nay.
Nhà văn Sơn Nam có ba cuốn biên khảo chuyên về miền Nam và Sài Gòn - Gia Định, với lối viết dung dị, dễ hiểu, gồm Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Giới thiệu Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm - Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long, Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa - Người Sài Gòn. Ba ấn phẩm này thuộc bộ sách do Nhà xuất bản Trẻ mua tác quyền trọn đời từ tác giả.
Mai Nhật