![]() |
Cặp song ca nổi tiếng một thời tái hợp trong chương trình Ký ức Trường Sơn, tối 27/4 tại Nhà hát Lớn. Ở tuổi ngoài 70, cả hai vẫn giữ được chất giọng khỏe, truyền cảm.
Họ biểu diễn bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp). Nhà thơ Phạm Tiến Duyệt viết tác phẩm năm 1969, sau lần ngồi chung xe với một chiến sĩ ở phía tây Trường Sơn, nghe chuyện tình của anh với nữ y tá ở phía đông. Sau khi tác phẩm ra đời, bộ đội, thanh niên xung phong chép lại để học thuộc. Năm 1971, nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc. Lời thơ và chất nhạc hòa quyện nhau, khiến Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây trở thành khúc ca bất hủ về tình yêu đôi lứa, tình yêu nước.
Đêm nhạc gợi nhớ 16 năm (1959-1975) bộ đội công binh Trường Sơn sống và chiến đấu làm nên hệ thống giao thông gần 20.000 km, xuyên ba nước Đông Dương.
![]() |
Hai giọng ca Trung Đức, Thu Hiền được khán giả cổ vũ khi biểu diễn Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. |
Nghệ sĩ Trung Đức hát Chào em, cô gái Lam Hồng của nhạc sĩ Ánh Dương, ca khúc làm nên tên tuổi ông.
20 tuổi, khi đang là sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ, từng là lính xe tăng của đoàn 559 tại Trường Sơn. Khi chưa trở thành văn công chuyên nghiệp, ông vẫn thường hát cho đồng đội. Vì thế, nghệ sĩ có kỷ niệm với những ca khúc về con đường huyền thoại. Giọng hát của ông vừa hào sảng vừa dạt dào tình cảm.
![]() |
Nghệ sĩ Trung Đức hát Chào em, cô gái Lam Hồng. |
![]() |
Nghệ sĩ Thu Hiền được khán giả tặng hoa khi hát Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp, Đằng Giao), về nỗi đau khi hai miền bị chia cắt. Bà từng là văn công, biểu diễn ở chiến trường Tây Bắc, Quảng Trị và Huế. |
Lá đỏ - lấy cảm hứng từ những nữ anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn - được nghệ sĩ Quang Thọ thể hiện. Năm 1974, trên đường vào Nam, nhà thơ Nguyễn Đình Thi gặp nhiều phụ nữ, bé gái đứng ở những nơi nguy hiểm, dẫn đường cho xe băng suối hoặc qua những quãng đường khó. Ông xúc động viết: "Em đứng bên đường như quê hương/Vai áo bạc quàng súng trường".
![]() |
![]() |
Tiết mục múa Kỷ niệm Trường Sơn của hai nghệ sĩ trẻ Thanh Mây, Đình Tài, khắc họa mối tình vượt mưa bom lửa đạn. |
![]() |
"Người đàn bà hát" Thanh Hoa biểu diễn Em vẫn đợi anh về (nhạc sĩ Hoàng Hiệp), nói về khao khát hòa bình. |
![]() |
Ca sĩ Việt Hoàn hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác (nhạc sĩ Trần Chung). Ca khúc nói về tâm hồn lãng mạn của những anh lính trẻ, khi "nhìn trăng nhìn cây" mà "bâng khuâng chúng cháu nghĩ Bác như đã đến nơi này". |
![]() |
Thái Thùy Linh thể hiện ca khúc Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (nhạc sĩ Hoàng Vân). |
![]() |
Nghệ sĩ Phạm Phương Thảo biểu diễn Sợi nhớ sợi thương (Phan Huỳnh Điểu). |
![]() |
Giọng ca xứ Nghệ Phương Thanh hát Xa khơi (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ). |
Các nhóm tốp ca gợi không khí chiến đấu, lao động qua loạt ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn (nhạc sĩ Phạm Tuyên), Xuân chiến khu (nhạc sĩ Xuân Hồng), Dòng sông hoa đỏ (nhạc sĩ Võ Thế Hùng), Tiến về Sài Gòn (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước).
![]() |
Nhóm Phương Nam hát Tiến về Sài Gòn. |
![]() |
Các nghệ sĩ tái hiện không khí ngày toàn thắng qua ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (nhạc sĩ Xuân Hồng).
Chương trình do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại tổ chức, dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Giang Huy - Hà Thu