Sách tập hợp 21 tản văn được viết ở nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó, tình cảm dành cho quê hương Tây Nam Bộ là mạch nguồn chủ đạo, tạo nên tính thống nhất trong tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
![]() |
Bìa "Mùa hoa trên những lối sông", sách 144 trang do Nhà xuất bản Trẻ phát hành hồi tháng 4. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ |
Qua góc nhìn của tác giả, con người miền Tây hiện lên nghĩa tình, bao dung ngay cả khi cuộc đời nhiều nhọc nhằn, bất trắc. Bài viết mở đầu - Mùa vụ hoang sơ - kể về câu chuyện của những chứng nhân từ cuộc thảm sát Ba Chúc do quân Khmer Đỏ gây ra. Nhà văn tập trung nhấn mạnh tấm lòng độ lượng của người dân: "Họ chọn quên vì giữa thế giới tâm linh đó, người ta chỉ nhớ về tội phước của riêng mình mà không nói đến tội phước ngoài thân, kể cả tội phước của đoàn quân Pol Pot". Phẩm cách ấy khiến chị tin rằng vết thương của quá khứ sẽ lành, họ sẽ nhẹ nhàng bước đến tương lai - "cuộc tái sinh mới của mình".
Trong hoàn cảnh đại dịch, tác giả xúc động trước nghĩa tình, "những cái phủi tay chọn ngoại lệ đã phá tan ranh giới lạnh lùng vô cảm". Tản văn Hơi ấm giữa dòng trôi có đoạn: "Trên cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu mênh mông, tôi ra vào tiếp tế một khu điều trị F0 đã chứng kiến những người không cam lòng nhìn người thân một mình tận thế. Họ thà được ở bên nhau dẫu phía bên nhau là con đường vào sinh ra tử".
Tác giả còn khắc họa những nhân vật "chân tu". Theo chị "chân tu" không nhất thiết phải xuất gia, bắt buộc theo quy chuẩn tôn giáo. Đó có thể là những người nhỏ bé, bình thường, biết sống tử tế, hướng thiện. "Tu sĩ tại gia" trong Thiên nhiên đầy vừa đủ là một điển hình. Ông nâng niu từng nhành cây, ngọn cỏ, "tìm đường tu cho mình đồng hành với việc tìm đường tu cho cây lúa" thông qua việc không sử dụng thuốc trừ sâu. Nhờ đó, người nông dân có thêm niềm vui sống thay vì kiếm sống đơn thuần, vượt lên lòng tham, sự hiếu thắng, "vì một nền nông nghiệp không sát sinh".
Ngoài ra, với nhà văn, thế giới tự nhiên không chỉ là khách thể mà còn là chủ thể có khả năng cất tiếng, gợi mở cho con người nhiều bài học. Con giun kiên trì, "sống lặng thầm để nói tiếng nói thật thà nhất" (Cắc cớ của những tâm thư). Đàn ong "cố chấp" bay ra xa, chắt chiu, "tích cóp từ bao nhiêu cuộc đời lửng lơ trên đôi cánh mỏng" (Mật đời trái vụ). Cây thuốc, cây thảo dược khao khát sống, tự thân vươn mình giữa điều kiện khắc nghiệt để hiến dâng cho đời (Lên non tìm thảo dược). Giọng văn của tác giả đầy triết lý, gợi mở nhiều suy tư.
Vốn là người con của châu thổ Cửu Long, những dòng sông, con nước không ngừng "chảy" trong văn chị. Tác giả tâm sự: "Tôi thèm những con nước chảy về từ ký ức. Có nhiều lúc ngồi viết, tôi muốn dẫn một dòng nước chạy ngang bàn viết của mình. Một dòng nước có gấp khúc, có uốn lượn để tôi nghe được tiếng nước đang trăn trở đâu đó bên tai" (Khát khô dòng ký ức). Vì thế, hình tượng dòng sông xuất hiện nhiều lần, thậm chí, còn đóng vai trò quan trọng trong các bài viết như Dòng sông hai số phận, Ngó về sông trước, Khát không dòng ký ức, Dòng sông quê đón Tết, Mùa hoa trên những lối sông.
Trong bài Mùa hoa trên những lối sông, sông nước Cửu Long nổi bật với những chiếc ghe chở đầy hoa cúc vạn thọ, "nhắc nhớ về một sự khởi đầu cho những chuyến hàng năm mới đầy mầu sắc lẫn thơm tho". Đó là một khởi đầu có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người dân.
Tác giả đồng thời thể hiện niềm thương nhớ với cảnh quan thiên nhiên dần lui vào ký ức. Cụ thể, dòng Thầy Quơn như trở thành thứ bất tiện trước những tiện nghi hiện đại: "Dòng sông xa dần cho tới một ngày men theo dòng sông, con người tìm về những cánh đồng máy móc, những đô thị xa xôi. Nơi đó mặt trời cũng không có dẫu hơi nóng vẫn hầm hập cướp từng khối mồ hôi" (Dòng sông hai số phận). Ngôn từ trong tản văn gần gũi, đậm nét phương ngữ Nam Bộ. Cái "tôi" của tác giả nhẹ nhàng, giàu suy tư trước mọi sự vật, hiện tượng của đời sống.
![]() |
Tác giả Võ Diệu Thanh. Ảnh: Facebook nhân vật |
Võ Diệu Thanh, 50 tuổi, là giáo viên mỹ thuật, đam mê viết văn. Năm 1994, chị đoạt giải nhất Cuộc thi văn chương Thủ Khoa Nghĩa - Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang. Năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược được trao giải nhì trong cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần thứ 4. Các tác phẩm khác của chị bao gồm: Viên đạn về trời, 17 cây số đường ma, Gạt nước mắt đi.
Khánh Linh