Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
  • Trở lại Thể thao
  • Giải trí
Thứ sáu, 20/6/2025 | 15:18 GMT+7

Ký ức về trường dạy làm báo đầu tiên của Việt Nam

"Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng" khắc họa hình ảnh học viên ăn cơm độn sắn, măng, tập viết phóng sự giữa núi rừng Việt Bắc.

Sách tổng hợp tư liệu, bút tích, bài viết của nhiều tác giả về ngôi trường. Tác phẩm phát hành năm 2024, dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập trường, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nằm tại tỉnh Thái Nguyên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Tổng bộ Việt Minh thành lập. Lớp học đầu tiên khai giảng ngày 4/4, bế giảng ngày 6/7/1949 với 42 học viên, ba người là nữ. Họ cùng học tập dưới sự chỉ dạy, dẫn dắt của những người thầy là nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn nổi tiếng như Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao. Do hoàn cảnh, trường đào tạo một khóa duy nhất. Năm 2019, trường được xếp hạng Di tích quốc gia.

Lãnh đạo và học viên trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ngày khai giảng. Ảnh: Sách "Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng"

Trường mang tên nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, bộ trưởng Bộ Nội vụ giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám và Quyền Chủ tịch nước trong bốn tháng. Ông dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, là chủ bút tờ Tiếng Dân, tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở khu vực miền Trung.

Trong bút tích, nhà văn Nam Cao viết: "Giá hồi mới bước vào nghề, tôi đã được như các bạn ngày nay, được một học thuyết tiến bộ soi đường, được một lớp như lớp Huỳnh Thúc Kháng này hướng dẫn, thì tôi đã tránh khỏi mất bao nhiêu thì giờ mò mẫm, khỏi viết bao nhiêu cái mà bây giờ nghĩ đến tôi thấy nóng tai".

Tác phẩm dẫn thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp học viết báo. Trong thư, Người dặn dò các cán bộ muốn làm báo khá thì cần gần gũi dân chúng, "cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực", phải biết một thứ tiếng nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, viết xong kiểm tra lại ba, bốn lần.

Sách gợi hồi ức, kỷ niệm của các học viên theo học tại trường. Trong ký ức của nhà báo Nông Việt Liêm, giảng đường to, xếp thành chữ U ôm lấy một khoảng sân rộng, bàn ghế xếp cao dần thành bậc thang, "y như một giảng đường ở Hà Nội thời nào".

Trong hoàn cảnh kháng chiến, thầy trò trường Huỳnh Thúc Kháng vẫn nghiêm túc dạy và học. Các lớp giảng dạy về khái niệm, lịch sử báo chí, tìm hiểu tình hình trong nước và thế giới, cách làm phóng sự, điều tra, xã luận, soạn, viết tin, giảng viên hướng dẫn cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, in và phát hành báo.

Hơn 40 học viên được chia thành bảy tổ, mỗi tổ có tổ trưởng đôn đốc tổ viên. Lớp học bắt đầu lúc 6h30 với giờ học ôn, 7h30 vào lớp, kết thúc khi trời đã tối. Các học viên sinh hoạt tại chiến khu, ăn cơm độn măng, sắn, đậu đen.

Khung cảnh một buổi học tại trường. Ảnh: Sách "Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng"

Không khí học tập sôi nổi, học viên tranh luận, thi đua nộp bài đúng hạn, bài làm được nhiều điểm, giữ vở sạch sẽ. Theo nhà báo Nông Việt Liêm, nơi đây không còn là lớp viết báo nữa mà thành lớp văn nghệ khi học về các loại văn, nhà văn, nhà thơ tham gia giảng dạy. Họ thi viết kịch, truyện ngắn, hỏi chuyện tác giả như Nam Cao, Xuân Diệu, Tố Hữu không kể giờ nghỉ trưa. "Các giảng viên rất vui vẻ, thân mật như người anh cả", nhà báo Nông Việt Liêm viết.

Nhà báo Trần Kiên (tên khai sinh là Phạm Văn Thái), nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân từng theo học tại đây. Ông kể: "Ông Đồ Phồn giảng về phóng sự, xong cho lớp đi xuống thôn Chè, Đại Từ, đi thực tế một ngày rồi về viết phóng sự. Dạy vẽ là ông Trần Đình Thọ. Ngoài học chính còn học thêm quân sự". Ông nhắc chuyện vui, một học viên ném lựu đạn chày lạc vào gần bếp, song không ai bị gì, may mắn "vẫn có cơm để ăn".

Nhớ về trường Huỳnh Thúc Kháng là mỗi lần nhà báo Trần Kiên sống lại với hồi ức tươi đẹp. Ông tham gia học bình luận, xã luận từ Tổng Bí thư Trường Chinh và được giao đề bài: Viết một bài xã luận về chỉ thị thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Thầy giáo nhận xét từng tác phẩm, trong đó, bài của chàng học viên trẻ Hoàng Kiên Trung (tên thời đi học của nhà báo Trần Kiên) xếp thứ nhất, nhận lời khen từ Tổng Bí thư.

Học viên trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong giờ sinh hoạt. Ảnh: Sách "Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng"

Trong ngày bế giảng, học viên bịn rịn, "những nắm tay siết chặt nóng bừng", họ dặn nhau "Viết nhiều vào nhé", "Viết luôn nhé". Hơn 40 học viên ngày ấy đã tỏa đi khắp các chiến trường, trên mọi nẻo đường để đưa tin chiến sự, cổ vũ lòng dân. Theo nhà báo Phạm Viết Thiệu, "học và làm báo trong kháng chiến tuy gian khổ nhưng là quãng đời mang nhiều kỷ niệm ấm lòng, một quãng đời vinh quang, đáng tự hào".

Sách trích diễn văn bế giảng của nhà báo Đỗ Đức Dục: "Nghề viết báo đòi hỏi hơn đâu hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời. Nếu không có một tấm lòng tha thiết yêu nghề thì nhất định không đủ can đảm mà thu nhận những lời phê bình của đủ các độc giả phức tạp ở bốn phương, không đủ nhẫn nại mà luôn luôn học tập cầu tiến được".

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có bố cục rõ ràng, nhiều nguồn tư liệu quý, nhấn mạnh tầm quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tác phẩm do nhà báo Lê Quốc Minh, Nguyễn Đức Lợi, Trần Trọng Dũng chỉ đạo biên soạn, nhà báo Trần Kim Hoa làm chủ biên, nhiều tác giả như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thu Hiền cùng tham gia viết, tìm tư liệu.

Châu Anh

Nguồn VnExpress: https://vnexpress.net/ky-uc-ve-truong-day-lam-bao-dau-tien-cua-viet-nam-4903178.html
Tags: trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Thời trang của Leonardo DiCaprio và dàn sao ở Wimbledon

Thời trang của Leonardo DiCaprio và dàn sao ở Wimbledon

Leonardo DiCaprio, Cate Blanchett và nhiều tên tuổi diện thanh lịch tới xem các trận đấu quần vợt ở Wimbledon 2025.

Bài học từ 10 cuộc 'Đại địa chấn kinh tế'

Bài học từ 10 cuộc 'Đại địa chấn kinh tế'

Chuyên gia Linda Yueh cho rằng tất cả cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ đều là bài học của tương lai.

'Jurassic World 7' - câu chuyện nhạt về khủng long

'Jurassic World 7' - câu chuyện nhạt về khủng long

"Jurassic World: Rebirth" tập trung vào hành trình sinh tồn và lòng tham của con người nhưng các cảnh đối đầu khủng long thiếu ấn tượng.

Hùng Thuận: 'Cuộc đời tôi sang trang'

Hùng Thuận: 'Cuộc đời tôi sang trang'

Hùng Thuận - bé An "Đất phương Nam" - cảm ơn tình yêu của vợ giúp đời anh bước sang chương mới ở tuổi 42, tại lễ cưới, tối 12/7.

Cường 'Đôla' và dàn sao dự đám cưới Hùng Thuận

Cường 'Đôla' và dàn sao dự đám cưới Hùng Thuận

Phùng Ngọc - Cò của "Đất phương Nam", doanh nhân Quốc Cường cùng dàn sao dự lễ cưới diễn viên Hùng Thuận, tối 12/7.

Gu mặc đời thường của 'Sao đẹp nhất Nhật Bản'

Gu mặc đời thường của 'Sao đẹp nhất Nhật Bản'

"Minh tinh đẹp nhất Nhật Bản" Nozomi Sasaki thích phối đồ tự do với trang phục phom rộng, tạo sự thoải mái.

Ngô Thanh Vân: 'Tôi chuẩn bị kinh tế tốt nhất cho con'

Ngô Thanh Vân: 'Tôi chuẩn bị kinh tế tốt nhất cho con'

Diễn viên Ngô Thanh Vân cùng ông xã Huy Trần từng bước chuẩn bị nền tảng tài chính vững chắc, khi con đầu lòng sắp chào đời.

10 cuốn sách nổi bật của Margaret Atwood

10 cuốn sách nổi bật của Margaret Atwood

"Chuyện người tùy nữ" là tác phẩm tiêu biểu nhất của nữ văn sĩ Canada Margaret Atwood, theo Guardian.

Ảnh cưới tối giản của Đình Tú - Ngọc Huyền

Ảnh cưới tối giản của Đình Tú - Ngọc Huyền

Hai diễn viên Đình Tú, Ngọc Huyền thực hiện ảnh cưới sau gần một tháng công khai chuyện tình cảm.

Khánh Thi: 'Tôi không giàu có'

Khánh Thi: 'Tôi không giàu có'

"Nữ hoàng dancesport" Khánh Thi nói luôn thấy thiếu tiền, bán hàng online kiếm thêm thu nhập vì phải trang trải nhiều chi phí cho công việc, gia đình.

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
FPT Tower, 10 Pham Van Bach Street, Dich Vong Ward,
Cau Giay District, Hanoi, Vietnam
Email: contacts@vnportal.net
Tel: 028 7300 9999 - Ext 8556
Advertise with us: 090 293 9644
Register
© Copyright 2025 vn24h.net. All rights reserved.
Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật Cookies