Giáo hoàng Francis qua đời sáng 21/4 tại Nhà thánh Marta, Vatican, ở tuổi 88. Ông dành phần lớn cuộc đời cho sự nghiệp phụng sự Chúa và nhân loại, lên tiếng vì quyền lợi người yếu thế và tình trạng bất bình đẳng do kinh tế gây nên. Ông cũng là người yêu nghệ thuật, nhiều lần công nhận nỗ lực sáng tạo của giới nghệ sĩ đương đại.
Con đường ủng hộ nghệ thuật của Giáo hoàng Francis gắn liền quãng thời gian đứng đầu Giáo hội. Ông được bầu vị trí này năm 2013, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị. 12 năm giữ cương vị, ông để lại nhiều dấu ấn đầu tiên trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, được xem là người mở ra kỷ nguyên mới cho Tòa thánh tại địa hạt này.
![]() |
Giáo hoàng Francis được tặng tranh trong một buổi lễ ở nhà thờ Sant'Egidio ở Rome năm 2014. Ảnh: AFP |
Năm thứ nhất của nhiệm kỳ (2013), Giáo hoàng Francis cho phép Vatican lần đầu tham gia Venice Biennale với khu trưng bày riêng. Đây là một trong những triển lãm quốc tế lâu đời nhất thế giới từ năm 1895, được tổ chức hai năm lần. Theo AP, động thái này cho thấy Giáo hội "đang quay trở lại truyền thống bảo trợ nghệ thuật lâu đời hàng thế kỷ của mình", đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới để thu hút giới nghệ sĩ và trí thức hợp tác.
Năm 2024, ông trở thành Giáo hoàng đầu tiên đích thân đến Venice Biennale, chọn nhà tù nữ trên đảo Giudecca làm nơi mở gian hàng triển lãm. Tòa thánh trưng bày các tác phẩm của cựu nữ tu kiêm nghệ sĩ pop-art Corita Kent (1918-1986), tác giả "trái chuối dính tường triệu USD" Maurizio Cattelan và một số tên tuổi. Ông tôn vinh sự đóng góp của phụ nữ trong ngành sáng tạo, hy vọng nền nghệ thuật ngày nay trân trọng tài năng của họ một cách đúng đắn.
Cũng trong chuyến thăm, Giáo hoàng Francis nêu nhiều quan điểm về vai trò của nghệ thuật, khẳng định "thế giới cần nghệ sĩ". Ông nhận định lĩnh vực này đóng vai trò như "thành phố trú ẩn" - nơi không dung chứa nạn bạo lực, phân biệt đối xử mà chỉ tạo ra những phương thức gắn kết người với người để ai cũng được công nhận, chở che.
"Nghệ thuật dạy con người cách nhìn khác, không chiếm hữu, không vật hóa nhưng cũng không thờ ơ hay hời hợt; chúng dạy ta theo góc nhìn chiêm nghiệm. Nghệ sĩ là một phần của thế giới, nhưng họ được thôi thúc vượt khỏi phạm trù ấy. Chẳng hạn, điều cấp thiết hơn bao giờ hết hiện nay là phân định rõ ràng ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường. Dĩ nhiên, giới buôn bán đóng vai trò thúc đẩy sự tôn sùng tác phẩm. Song điều đó luôn tồn tại nguy cơ tổn hại sức sáng tạo, cuỗm mất sự thơ ngây để cuối cùng áp đặt nghệ sĩ tuân theo các chỉ dẫn một cách lạnh lùng", Giáo hoàng nói thêm.
![]() |
Giáo hoàng Francis phát biểu tại triển lãm quốc tế Venice Biennale năm 2024. Ảnh: Courtesy Città di Venezia |
Bên cạnh sứ mệnh chăm nom Giáo hội, Giáo hoàng Francis giám sát bảo tàng Vatican, để lại nhiều cột mốc đáng nhớ cho cơ sở. Năm 2016, ông bổ nhiệm nhà sử học mỹ thuật Italy - Barbara Jatta - làm nữ giám đốc đầu tiên của đơn vị. Năm 2021, Thư viện Vatican - vốn chỉ dành cho học giả - lần đầu mở phòng trưng bày nghệ thuật đương đại với sự tham dự của Giáo hoàng vào ngày khánh thành. Một năm sau, ông quyết định hoàn trả ba mảnh vỡ điêu khắc Parthenon Marbles 2.500 tuổi cho Hy Lạp. Tòa thánh lưu giữ các hiện vật khoảng 200 năm trước khi cho chúng "hồi hương".
Dịp kỷ niệm 50 năm thành lập bộ sưu tập của Vatican năm 2023, Giáo hoàng tiếp đón hơn 200 nghệ sĩ tại nhà nguyện Sistine, bao gồm Andres Serrano - tác giả của bức hình bị cho báng bổ Công giáo vào năm 1987. Tại sự kiện, ông nói với các khách mời: "Tôi biết các bạn muốn phơi bày hiện thực trong các nghịch lý và cả điều làm người ta thoải mái hơn nếu né tránh. Giống các ngôn sứ trong Kinh thánh, đôi khi bạn phải đối diện những thứ không dễ chịu; phải phê phán những câu chuyện thần thoại giả tạo ngày nay và thần tượng mới, hay lời nói sáo rỗng, mánh khóe tiêu dùng và mưu đồ quyền lực".
![]() |
Giáo hoàng Francis gặp gỡ hơn 200 nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 50 năm ra đời Bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương đại của Bảo tàng Vatican, tại nhà nguyện Sistine năm 2023. Ảnh: Courtesy Vatican Media |
Tình yêu nghệ thuật của ông không dừng lại ở các lời thuyết giảng, mà còn hiện diện qua các con chữ. Năm 2015, ông cùng nhà báo Tiziano Lupi ra mắt quyển La Mia Idea di Arte (Tư tưởng của tôi về nghệ thuật). Hai năm sau, sách được tham khảo để dựng thành phim tài liệu cùng tên. Trong đó, Giáo hoàng hy vọng nhà thờ tận dụng các tác phẩm đương đại như công cụ truyền giáo.
"Bảo tàng Vatican phải đón nhận các hình thức nghệ thuật mới. Chúng phải mở mọi cửa chào đón du khách khắp thế giới, trở thành công cụ đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau vì hòa bình. Chúng phải có sự sống. Không thể là những kho lưu trữ bám bụi của quá khứ chỉ phục vụ một số ít người nhất định. Chúng phải tồn tại như nơi gìn giữ hiện vật để kể nhân loại nghe câu chuyện của mình, bắt đầu từ những vị khách kém may mắn nhất", ông viết trong sách.
Giáo hoàng Francis có tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, là con trai của những người nhập cư Italy. Tại Mật nghị Hồng y, ông được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013. Ông trở thành Giáo hoàng thứ 266 và là Giáo hoàng người Mỹ Latin đầu tiên, là vị Giáo hoàng đầu tiên không có xuất thân châu Âu trong hơn 1.200 năm.
Ông mất một ngày sau khi xuất hiện trên chuyên xa Popemobile và di chuyển ở Quảng trường Thánh Peter, trong lúc hàng chục nghìn tín đồ tập trung về Vatican để đón Thánh lễ Phục sinh. Ông từng hai lần cận kề cái chết hồi đầu năm nay do viêm phổi, trải qua 5 tuần điều trị tại bệnh viện Gemelli ở Rome (Italy) trước khi xuất viện hôm 23/3.
Linh cữu Giáo hoàng được rước từ Nhà Thánh Marta đến Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican vào ngày 23/4 để công chúng đến viếng trong ba ngày. Lễ tang diễn ra vào ngày 26/4, sau đó, di hài sẽ được chuyển từ quảng trường vào bên trong Vương cung thánh đường Thánh Peter, rồi tiếp tục được đưa đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả bên ngoài Vatican để an táng. Ông sẽ là giáo hoàng đầu tiên được chôn cất bên ngoài Vatican trong hơn một thế kỷ qua.
Phương Thảo (theo Artnet, Ocula, Vatican News)