![]() |
Nghệ sĩ Minh Tơ, con trai bầu Thắng, một trong những người khai sinh gánh hát huyền thoại. Ảnh: Tư liệu gia đình |
Giữa tháng 4, nghệ sĩ cải lương Quế Trân tất bật với những buổi tập nước rút cho tác phẩm kinh điển
Câu thơ yên ngựa
(tác giả: Hoàng Yến, chuyển thể: Ngọc Văn, Thanh Tòng). Lần tái diễn nhằm kỷ niệm gần 50 năm vở lần đầu ra mắt khán giả TP HCM (năm 1979), quy tụ các nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ năm của đoàn Minh Tơ. Vài ngày trước đêm công diễn 19/4 ở nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tác phẩm "cháy" vé. Nhiều khán giả cho biết háo hức vì sắp được một lần nữa thưởng thức vở diễn từng là một trong những hiện tượng của sân khấu thành phố.
"Trong dòng chảy trăm năm cải lương, hiếm có gia tộc nào bền bỉ lửa nghề, miệt mài giữ hồn tuồng cổ như đại gia đình Minh Tơ", bà Hồng Dung - nguyên phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - nhận định.
Thuở sơ khai của gánh hát lâu đời bậc nhất Sài Gòn
Ngày nay, trên con đường Yersin sầm uất tại quận 1, TP HCM, vẫn còn một mái đình nép mình khiêm tốn, gọi là đình Cầu Quan. Hơn 100 năm trước, ngôi đình nhỏ này là nơi những diễn viên đầu tiên của đoàn Minh Tơ gắn bó và khai sinh ra một trong những gánh hát xưa nhất của miền Nam.
![]() |
Ký ức về ngôi đình được nghệ sĩ Thành Lộc - thế hệ thứ tư của đoàn Minh Tơ - kể ở hồi ký xuất bản năm 2015: "Trong lòng cái đình ấy có chứa một cái sân khấu để biểu diễn. Bao quanh và trên dưới sân khấu ấy, ngoài chỗ cho khán giả ngồi xem còn là nơi sinh sống, ngủ, nghỉ và làm việc của vài gia đình thuộc dòng họ bầu Thắng nổi tiếng của ông ngoại, như nhà của các cậu Minh Tơ, Khánh Hồng cùng các cậu, dì, anh chị họ của tôi...".
"Bầu" Thắng là ông Hai Thắng, người con tài năng của vợ chồng bầu Vĩnh và đào Xuân - chủ đoàn hát bội Vĩnh Xuân. Theo sách Lịch sử sân khấu và điện ảnh Việt Nam (tác giả Nguyễn Đức Hiệp), thập niên 1920 đánh dấu sự nở rộ của các gánh hát bội lẫn cải lương. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Nam kỳ, đoàn hát thành lập hàng loạt, băng đĩa liên tục được thu âm để đáp ứng nhu cầu của người mộ điệu. Vĩnh Xuân là một trong những ban lừng lẫy đương thời.
Được cha truyền nghề, ông Hai Thắng cùng vợ - bà Nguyễn Thị Ngọc - gom hết vốn liếng, mua lại gánh hát bội của bà Ba Ngoạn (bà nội nghệ sĩ Kim Cương). Họ lập ra gánh Vĩnh Xuân - Bầu Thắng, đóng đô tại đình Cầu Quan. "Bầu" Thắng đảm nhận vai trò dạy kỹ năng ca diễn cho các con, còn vợ ông quản lý gánh hát.
Năm trong tám người con của ông bà, gồm Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú, lớn lên với hoài bão kế nghiệp cha. Năm 1939, ông bầu qua đời, nghệ sĩ Minh Tơ cùng các em gánh vác đoàn hát, tiếp nối tình yêu sân khấu của gia đình.
* Sơ đồ phả hệ gia tộc Minh Tơ
![]() |
Nghệ sĩ Thanh Tòng thời trẻ. Ảnh: Tư liệu gia đình |
Những năm thập niên 1940, hát bội dần đánh mất sức hút, nhường chỗ cho một loại hình sân khấu mới, cách tân từ âm nhạc, lối ca diễn đến nội dung tuồng tích. Nghệ sĩ Minh Tơ quyết định cùng vợ - đào Bảy Sự - và hai em Khánh Hồng, Đức Phú sang đoàn Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há học hát cải lương suốt ba năm. Sau đó, ông lập đoàn Khánh Hồng - Minh Tơ.
Nhạy bén nắm bắt nhu cầu thưởng thức sân khấu của khán giả thời đó, đoàn Minh Tơ thay đổi sang hình thức hát bội pha cải lương, phối thêm các bài ca, điệu lý. Các lời văn, bài ca được lược bỏ bớt câu chữ cổ, thêm thắt, cập nhật ngôn ngữ để gần gũi hơn với đời sống. Phần vũ đạo của nghệ sĩ được giảm tính ước lệ - đặc trưng của hát bội, thay vào đó là lối diễn xuất thật hơn.
Ban đầu, họ gọi các tác phẩm bằng cái tên chung là "cải lương tuồng Tàu", do đa số vở có gốc tích từ Trung Quốc, như
Trảm Đình Ân, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ
. Những năm 1960, đài truyền hình Sài Gòn khi ấy thường mời gánh hát lên quay chương trình, phát tối thứ tư hàng tuần. Nhà quản lý gợi ý đoàn đổi tên gọi vở tuồng để sau này có thể dựng các kịch bản sử Việt. Từ đó, "cải lương Hồ Quảng" ra đời, chỉ chất liệu vay mượn từ nghệ thuật sân khấu Trung Quốc.
Theo nghệ sĩ Minh Vương, đoàn Minh Tơ giữ vị trí hàng đầu lúc bấy giờ nhờ nỗ lực đổi mới chất liệu âm nhạc. Thập niên 1950-1960, cải lương rơi vào thế khó do làn sóng phim Đài Loan du nhập, tạo nên cơn sốt ở thị trường miền Nam. Một trong những tác phẩm gây tiếng vang đầu tiên là Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài - thiên tình sử lấy nước mắt nhiều thế hệ. Nhạc sĩ Đức Phú - em nghệ sĩ Minh Tơ - nhiều lần đến rạp chiếu bóng nổi tiếng Đại Nam (nay ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1) để xem tác phẩm. Từ đó, ông chắt lọc các âm điệu Đài Loan kết hợp với bolero trong nước theo thể thức 50/50, tạo ra chất nhạc riêng biệt cho các vở tuồng.
Như đoạn Lương Sơn Bá biết tin Chúc Anh Đài bị gia đình ép hôn với Mã Văn Tài, nhạc sĩ viết: "Thề thốt hết giấc mơ tan chỉ mang theo u buồn/ Vẫn luyến ái sao cách biệt/ Tình keo sơn sao cách xa/ Tình này xin trọn kiếp/ Nguyện ghi xương khắc tim...".
Về sau, thập niên 1990, tuồng này tiếp tục ghi dấu ấn qua lối ca diễn của nghệ sĩ Vũ Linh, Tài Linh. Theo Bạch Long, nhiều khán giả khi đó xem video, tấm tắc khen nhạc hay và cho rằng đó là âm nhạc Trung Quốc. "Kỳ thực, đó là giai điệu do cậu Đức Phú sáng tạo ra", Bạch Long cho biết.
Những trích đoạn tuồng tiêu biểu của gia tộc Minh Tơ. Video: Video:
YouTube Cải lương 1975/ Đài truyền hình TP HCM
Nghệ sĩ Thanh Tòng - "linh hồn" của gia tộc Minh Tơ
Nếu nhạc sĩ Đức Phú tạo nhiều cách tân về bài bản âm nhạc, Thanh Tòng là nghệ sĩ tiêu biểu cho lối diễn tuồng cổ đỉnh cao. Đại diện cho thế hệ thứ tư, Thanh Tòng nổi tiếng từ bé, được báo giới đương thời gọi là "thần đồng sân khấu". Sáu tuổi, ông diễn vở San Hậu. 10 tuổi, ông đóng vai Lữ Bố trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Gần 30 tuổi, ông được xem "vua cải lương Hồ Quảng" với loạt tác phẩm gây tiếng vang, như Phạm Lãi - Tây Thi, Võ Tòng sát tẩu.
![]() |
Trích đoạn nghệ sĩ Thanh Tòng (vai Lý Đạo Thành) đưa dân ca Nam bộ vào phân cảnh cao trào của vở "Câu thơ yên ngựa". Video: Đài truyền hình TP HCM |
Nghệ sĩ Lệ Thủy nhận xét Thanh Tòng góp công lớn "Việt hóa tuồng cổ". Nhờ ông, cải lương Hồ Quảng thoát ảnh hưởng từ nước ngoài ở giai điệu, ca từ và nội dung. Từ thập niên 1970, ông bắt tay viết nhiều vở đề tài lịch sử, dân gian thuần Việt như: Chiếc nỏ thần, Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ.
Sau năm 1975, Thanh Tòng giúp gia tộc chuyển mình mạnh mẽ với loạt vở kinh điển, mà Câu thơ yên ngựa là tác phẩm vang danh. Ra mắt năm 1979, vở tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc khi nhà Lý chống giặc ngoại xâm với trận chiến ở sông Như Nguyệt. Tác phẩm còn lay động cảm xúc người xem khi lột tả lòng yêu nước, sự trung kiên ở thời loạn, lẫn mâu thuẫn và giằng xé chốn hậu cung giữa thái hậu Ỷ Lan và Thượng Dương hoàng hậu.
Quế Trân cho biết cha cô sử dụng nhiều chất liệu dân gian để dàn dựng tác phẩm. Lý cây bông - bài dân ca miền Tây quen thuộc - được nghệ sĩ gắn vào màn Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương - một màn diễn kinh điển.
Ban đầu, cả đoàn bối rối trước cách dựng của Thanh Tòng, không hiểu vì sao một bản dân ca quen thuộc có thể được lồng trong cảnh cao trào, kịch tính. Lúc đó, Thanh Tòng đề nghị dàn nhạc - gồm nhạc sĩ Đức Phú và Minh Tâm - sáng tác một đoạn rao vào bài nhạc, sau đó mới bắt vào khúc "muôn tâu Thái hậu" để giãi bày nỗi lòng của một trung thần.
"Gương xưa trị nước đành dẹp tình riêng ta lo việc chung.
Lý đâu nay vì tự ý ta tha cho Thượng Dương.
Toàn dân đảo điên khôn lường, bao thảm họa tóc tang
Ngoại bang lấn sang biên thùy, ta phải cần diệt đứa gian.
Cầu nương nương, đừng lay chuyển lòng thần tự quyết".
Tiến sĩ Lê Hồng Phước (chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng chỉ với
Câu thơ yên ngựa
, Thanh Tòng - cùng nghệ sĩ Thanh Loan, Bạch Lê - đã đạt đỉnh cao của diễn xuất tuồng cổ. Ở màn xử án Thượng Dương, đến nay chưa một diễn viên nào có thể thay thế được Thanh Tòng ở lối diễn sâu sắc, vũ đạo khúc chiết, đơn giản và đẹp mắt, phong thái chuẩn mực từ cách đá chân, khoát tay đến ánh mắt, âm sắc trong câu hát.
"Giáo sư Trần Văn Khê sinh thời khen lối diễn xuất bằng ánh mắt của Thanh Tòng. Ánh mắt Lý Đạo Thành khi quyết xử tội Thượng Dương hoàng hậu đạt đến độ xuất thần, khiến khán giả ngồi dưới phải rùng mình", ông Lê Hồng Phước nhận định.
Theo nhạc sĩ Minh Tâm, khi công diễn, vở gây chấn động sân khấu cải lương lúc đó. Những năm 1980, vở diễn mỗi ngày ba suất, mỗi suất 1.200 khán giả. Tác phẩm "cháy" vé suốt ba tháng, trước khi được Đài truyền hình TP HCM ghi hình, phát sóng. Năm 1984, vở được mang đi lưu diễn phục vụ kiều bào tại Pháp và thành công vang dội. Khi ấy dù mới ba tuổi, Quế Trân nhớ như in khoảnh khắc cha cùng các cô bác được chào đón nhiệt liệt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày trở về. Từ đây, "cải lương Hồ Quảng" đạt dấu mốc mới, trở thành "cải lương tuồng cổ".
Tài năng của Thanh Tòng không dừng lại ở việc tiếp nhận, kế thừa tinh hoa từ thế hệ tiền bối trong và ngoài gia tộc. Ông còn góp công tạo nên thế hệ nghệ sĩ kế thừa. Theo tiến sĩ Phước, những gương mặt nổi tiếng bậc nhất của cải lương như Vũ Linh, Tài Linh đều mang đậm dấu ấn của ông. Từ vai trò diễn viên, đạo diễn dàn dựng, soạn giả đến người đào tạo, Thanh Tòng đều tạo được dấu ấn, từ đó đi vào lịch sử cải lương với biệt danh "thống soái".
Nghề truyền nghề, nghiệp nối nghiệp
Không chỉ Thanh Tòng, nhiều tên tuổi góp phần làm nên diện mạo của gia tộc Minh Tơ. Thế hệ thứ tư sản sinh các tên tuổi: Xuân Yến, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn. Phía gia đình nghệ sĩ Huỳnh Mai và Thành Tôn có nhiều người con ưu tú: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc.
Nghệ sĩ Bạch Long từng lập nên đoàn Đồng ấu - mô hình sân khấu cải lương dành cho thiếu nhi - từ những năm 1990. Từ cái nôi này, nhiều nghệ sĩ trẻ thành danh, đến nay là lực lượng cho sân khấu cải lương của thành phố. Khoảng đầu năm 2000, nhóm tan rã nhưng những gương mặt xuất thân từ đây đều gây dựng tên tuổi riêng. Thành Lộc - em trai Bạch Long - trở thành một trong những diễn viên kịch nói "thế hệ vàng" của miền Nam, hiện tại là gương mặt bảo chứng cho các vở diễn của sân khấu Thiên Đăng - sàn diễn anh đồng sáng lập năm 2022.
Thế hệ thứ năm là loạt nghệ sĩ hàng đầu của cải lương hiện tại, gồm Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc, bên cạnh các chàng rể: Kim Tử Long, Điền Trung. Thế hệ thứ sáu xuất hiện nhiều sao nhí, như Kim Thư, Hồng Quyên, Tú Quyên, Thảo Trâm, Thảo Trúc, Andy. Trong đó, Kim Thư - con gái của nghệ sĩ Ngọc Nga - là tài năng nhí trên màn ảnh rộng, với loạt phim ăn khách như Trúng số, Bệnh viện ma, Nắng 1-2.
Một giai đoạn dài, đoàn Minh Tơ ngưng hoạt động khi cải lương xuống dốc trước làn sóng băng video, phim nhựa, truyền hình bùng nổ đầu thập niên 1990. Dù vậy, theo nghệ sĩ Công Minh, ước muốn khôi phục bảng hiệu gia tộc tuồng cổ vẫn âm ỉ trong lòng hậu thế suốt hơn 30 năm. Những năm tuồng cổ thất thế, nhiều người trong đoàn phải rời sân khấu, bươn chải, kiếm sống bằng đủ nghề. Tận sâu trong đáy lòng, họ khát khao gìn giữ sàn diễn truyền thống của gia đình, chờ ngày trở lại.
Sau ba thập niên, năm 2021, với sự khởi xướng của Công Minh, đoàn Minh Tơ trở lại trong sự xúc động của đông đảo nghệ sĩ lẫn công chúng. Khi ấy, dù chịu ảnh hưởng của Covid 19, các suất diễn vẫn chật kín khán giả. Dù đã mất vị thế đỉnh cao trong bối cảnh sân khấu khó khăn nhiều mặt, họ cho biết tái xuất vì tình yêu nghề. Năm 2022, Bạch Long tiếp tục đưa thương hiệu Đồng ấu mang tên ông trở lại để đào tạo nhân lực kế thừa, với sự hỗ trợ của ông "bầu" Idecaf - Huỳnh Anh Tuấn.
Nhiều năm qua, đều đặn mỗi dịp lễ Kỳ Yên, đình Cầu Quan lại thu hút hàng trăm khán giả. Họ đến với tình yêu ca cổ, ôn ký ức một thời qua các trích đoạn kinh điển của gia tộc Minh Tơ.
Nhìn nỗ lực của các thành viên trong gia đình, Quế Trân - gương mặt trẻ nhất của nghệ thuật cải lương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2023 - cho rằng tuồng cổ vẫn sống. Trong nhiều đêm nhạc, cô thấy những ánh mắt háo hức của người trẻ ở hàng ghế. Mỗi dịp như liên hoan, hội thi, cô chứng kiến các gương mặt trẻ chọn những trích đoạn kinh điển, được khán giả hưởng ứng và đoạt giải cao. Theo nghệ sĩ, điều đó cho thấy một bộ phận khán giả vẫn chung thủy với cải lương tuồng cổ.
"Giá trị cốt lõi của nghệ thuật cổ truyền dân tộc không bao giờ mất. Tuy nhiên, bảo tồn được các giá trị đó hay không là trách nhiệm của những người kế thừa", Quế Trân nói.
Mai Nhật