![]() |
![]() |
Bảo tàng, ở phường An Khánh, do diễn viên Chi Bảo làm giám đốc vừa ra mắt giữa tháng 7. Công trình nằm trong khu biệt thự, diễn viên dành hai tầng để trưng bày 400 cổ vật gốm trong bộ sưu tập của anh (ảnh sau). Các vật thuộc nhiều nền văn hóa Đông Sơn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Sa Huỳnh có niên đại cách đây hơn 2.000 năm.
"Tôi muốn thành lập bảo tàng riêng về gốm thời kỳ dựng nước, mong muốn làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam", diễn viên nói. Đây là một trong những bảo tàng tư nhân, dưới sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM.
Chi Bảo bắt đầu thích sưu tầm gốm từ khi thực hiện chương trình Hiểu về trái tim (khoảng năm 2010) vì yêu vẻ mộc mạc, duyên dáng của chúng. Hiện diễn viên sở hữu hơn 1.000 cổ vật gốm thuộc nhiều nền văn hóa, chủ yếu xuất xứ trong nước.
![]() |
Nổi bật là chiếc chõ gốm văn hóa Đông Sơn, niên đại khoảng 2.000 năm, được công nhận bảo vật quốc gia 2024. Theo Chi Bảo, chõ gốm mang giá trị lớn, bởi ở thời Đông Sơn mọi người chỉ biết đến trống đồng.
Chõ là dụng cụ nấu xôi hoặc hấp thực phẩm, cấu tạo gồm tầng dưới chứa nước, trên đặt thức ăn. Chõ cao 40 cm, đường kính miệng 28,5 cm, nặng 4,2 cân. Chõ có hình dáng miệng loe, lưng thắt, bụng tròn khác biệt rõ với các loại nồi nấu hay đồ đựng trong gian bếp.
![]() |
![]() |
Diễn viên dành một không gian để trưng bày nhiều cổ vật thời Đông Sơn, chủ yếu là chum, bình với nhiều kích thước.
Văn hóa Đông Sơn xuất hiện khoảng năm 800 TCN, phát triển mạnh ở lưu vực sông Hồng, nổi bật với nghề luyện đồng tinh xảo, tiêu biểu là trống đồng. Cư dân sống bằng nông nghiệp lúa nước, dệt vải, làm gốm, đúc vũ khí và trang sức. Đây là nền văn hóa tiêu biểu của người Việt cổ, đặt nền móng cho sự ra đời của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.
![]() |
Các đồ gốm của nền văn hóa Phùng Nguyên là một trong những cổ vật Chi Bảo thích nhất vì tính thẩm mỹ, sự độc đáo. Trong các phòng đều xen kẽ những hiện vật bình, thố, bát bồng, nồi được bài trí trong tủ kính.
Văn hóa Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 TCN) phân bố chủ yếu ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đặc trưng nổi bật là kỹ thuật làm gốm phát triển cùng các công cụ đá mài, rìu. Cư dân sống định cư, trồng lúa nước, chăn nuôi, dệt vải, đánh cá. Nền văn hóa này đặt nền móng cho các giai đoạn phát triển sau như Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn.
![]() |
![]() |
Những chiếc bát bồng, bình, nồi có chân chạc đỡ bằng gốm còn khá nguyên vẹn, đường nét hoa văn tinh xảo của văn hóa Phùng Nguyên. |
![]() |
Chiếc nồi gốm thuộc nền văn hóa Cái Bèo, niên đại khoảng 7.000 năm, là một trong những cổ vật xưa nhất ở bảo tàng.
Di chỉ Cái Bèo (Hải Phòng) được phát hiện vào năm 1938 ở vùng ven biển vịnh Hạ Long. Di chỉ khai quật được nhiều công cụ như chày, rìu, đục, hòn kê bằng đá cuội. Đồ gốm thời kỳ này còn thô cứng, làm từ đất sét và cát hạt khô.
![]() |
![]() |
Cạnh đó là chiếc nồi (ảnh trước) và âu thuộc nền văn hóa Hạ Long, cách đây khoảng 5.000 năm.
Các di tích hiện vật của nền văn hóa này được phát hiện trên các đảo của Vịnh Hạ Long cũng như dọc bờ biển từ Quảng Ninh, với đặc trưng chung về loại hình kỹ thuật chế tác công cụ đá và đồ gốm.
![]() |
Những chiếc cốc hình chim, thố, bình của văn hóa Gò Mun trưng bày.
Gò Mun (khoảng 1.000 - 700 TCN) được nhìn nhận như là nền văn hóa tiền Đông Sơn, thúc đẩy việc ra đời nhà nước sơ khai của người Việt.
![]() |
Tượng chim bằng gốm thuộc văn hóa Đồng Đậu, cách đây hơn 3.000 năm. Giai đoạn này phát triển tiếp nối sau văn hóa Phùng Nguyên, phân bố chủ yếu ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Gốm Đồng Đậu có hoa văn khắc vạch hình học đơn giản. |
![]() |
![]() |
Một phòng khác trưng bày các hiện vật của một số thời kỳ độc lập tự chủ trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tiêu biểu là những cổ vật gốm sứ thời Lý - Trần.
Trong ảnh là những chiếc bát (trước) thời nhà Lý (1009-1225) được chế tác tinh xảo, còn nguyên vẹn đường nét hoa văn. Ảnh sau là các hiện vật thời Trần (1225 - 1400) với âu, thạp, lá đề, tượng chim trang trí.
![]() |
Tủ kính đựng nhiều cổ vật gốm sứ Chu Đậu như chén, đĩa, bình, ấm trà.
Gốm Chu Đậu phát triển vào thế kỷ 14 -17, thời nhà Lê. Gốm có đặc trưng là men ngọc, men trắng trong, hoa văn tinh xảo, thường vẽ bằng màu lam, lục, đỏ. Chủ đề trang trí phong phú như hoa lá, rồng, phượng, cảnh sinh hoạt.
![]() |
Không gian bên ngoài bảo tàng Gốm thời dựng nước.
Thời gian tới, Bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên, hợp tác với các đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu.
Chi Bảo tên đầy đủ là Phạm Gia Chi Bảo, sinh năm 1973. Anh theo nghề diễn 25 năm, để lại dấu ấn với phong cách lãng tử và lối diễn biến hóa, nổi tiếng qua các phim Giao thời, Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Lục Vân Tiên, Cô gái xấu xí. Vài năm gần đây, Chi Bảo hạn chế xuất hiện trên màn ảnh, chủ yếu kinh doanh và làm thiện nguyện. Tháng 5/2021, Chi Bảo cho biết ngừng sự nghiệp diễn xuất, rút khỏi màn ảnh sau 25 năm đóng phim.
Quỳnh Trần - Tân Cao