Trước làn sóng phát triển công nghệ, ngành xuất bản đang từng bước chuyển mình, nhiều đơn vị dùng AI để hỗ trợ các khâu sản xuất sách như thiết kế bìa, chuyển ngữ sách.
Ngày 7/7, Betsy Reavley và Fred Freeman - hai nhà sáng lập của nhà xuất bản Bloodhound Books - cho ra mắt dịch vụ dịch tiểu thuyết bằng trí tuệ nhân tạo Globescribe.ai. Theo The Bookseller, chỉ cần tải bản thảo, chọn ngôn ngữ, ứng dụng này sẽ đưa ra bản chuyển ngữ và sẵn sàng xuất bản trong vài giờ. Dịch vụ hiện hỗ trợ với tiếng Tây Ban Nha, Đức, Italy, Pháp. Đại diện đơn vị này cho biết ứng dụng phù hợp với các nhà xuất bản và tác giả muốn gia nhập thị trường nước ngoài, phát hành lại sách cũ hoặc mở rộng phạm vi đối tượng mà không mất nhiều chi phí.
![]() |
Từ trái qua, Betsy Reavley, Fred Freeman và chủ tịch Hiệp hội Dịch giả Anh Ian Giles. Ảnh: The Bookseller |
Theo Goodereader, để tăng doanh thu cho nhà xuất bản, nhiều cuốn sách được dịch từ tiếng Anh sang nhiều ngôn ngữ và phát hành toàn thế giới. Với cách dịch truyền thống, chi phí dịch thuật dao động từ 7.000 đến 17.500 USD cho một cuốn tiểu thuyết và phải hoàn thành trong nhiều tháng. Còn với GlobeScribe, các đơn vị có thể chuyển ngữ sách với giá 100 USD.
Bloodhound Books đã tiến hành thử nghiệm, so sánh bản dịch của GlobeScribe với bản do con người thực hiện. Kết quả cho thấy nhiều người đọc không thể phân biệt giữa hai phiên bản. Theo đại diện đơn vị, trong một số trường hợp, người đánh giá nhận xét bản do AI hỗ trợ có giọng điệu và độ chính xác cao hơn.
Dù vậy, nhiều dịch giả lo lắng trước sự ra đời của các ứng dụng chuyển ngữ bằng AI. Trên The Bookseller, Ian Giles, chủ tịch Hiệp hội Dịch giả Anh, cho biết: "Tôi lo ngại bởi cứ cách một thời gian ngắn lại có những ứng dụng mới như của GlobeScribe hay Audible, trong khi chúng được huấn luyện từ chính tác phẩm của chúng tôi. Cho rằng AI sánh ngang hoặc vượt trội hơn người dịch là sai lầm".
Theo các dịch giả, có nhiều lý do để phản đối AI. Thứ nhất, mô hình này không hiểu ngữ cảnh, giọng điệu, phong cách viết và vốn từ "nghèo nàn". Dùng AI không được tính là dịch thuật thật sự.
Ian Giles cũng chỉ ra, các phiên bản của AI vẫn cần con người kiểm tra lại. Ông nói: "Chúng tôi không dạy người khác dịch như thế nào, mỗi người có cách tiếp cận tác phẩm riêng. Nếu bạn chỉ dùng trí tuệ nhân tạo, đó không phải dịch thuật mà là kiểm tra lại sản phẩm của máy móc, điều này làm giảm khả năng sáng tạo".
Nhà văn, dịch giả văn học người Ireland Frank Wynne gọi đây là quá trình biên tập, tức chỉnh sửa bản dịch do AI tạo ra. Khi được thuê làm công việc này, Wynne cho rằng trí tuệ nhân tạo dịch như "một đống hổ lốn". "Tôi phải sắp xếp chúng thành một cuốn sách hoàn chỉnh, nếu tự dịch từ đầu thì dễ và nhanh hơn", dịch giả nói.
Wynne đồng thời bác bỏ lập luận rằng AI sẽ tiếp kiệm chi phí chuyển ngữ. "Người ta cho rằng nó rẻ vì hiện tại nhiều công cụ cho phép sử dụng miễn phí. Song điều đó không có nghĩa là tiết kiệm. Mỗi năm, trí tuệ nhân tạo tiêu thụ lượng điện nhiều hơn cả Nhật Bản và cần một lượng nước lớn để làm mát các trung tâm dữ liệu. Việc bạn không phải trả tiền trực tiếp không có nghĩa nó không có chi phí".
Ngoài ra, dịch giả Lisa Fransson gọi hành động đưa AI vào dịch thuật là thiển cận. Với bà, để chuyển ngữ một tác phẩm, dịch giả phải có kiến thức, am hiểu ngữ cảnh, địa lý, lịch sử, văn hóa. "Dường như nhiều người lầm tưởng chỉ cần chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Đó là phần nổi của tảng băng, nhiệm vụ của người dịch là truyền tải chính xác yếu tố văn hóa địa phương, tinh thần của tác phẩm gốc", bà nói.
Dịch giả nêu ví dụ, nhiều thành ngữ trong tiếng Thụy Điển sẽ không có nghĩa nếu dịch thô sang tiếng Anh như Att glida in på en räkmacka (dịch tiếng Anh là slide in on a prawn sandwich), ám chỉ người thành công mà không cần nhiều nỗ lực. "Tôi không hiểu một cỗ máy sẽ xử lý thế nào với những câu này". Fransson nói.
Đáp trả các luận điểm, đại diện GlobeScribe - Betsy Reavley - cho biết ứng dụng của họ đã được huấn luyện để hiểu sắc thái ngôn ngữ. "Hệ thống của chúng tôi hiểu bối cảnh câu chuyện và phong cách viết của tác giả. Nó đưa ra một bản dịch chính xác, đồng thời cũng hiểu được các yếu tố như chơi chữ, thành ngữ và diễn đạt lại tương đương". Cô nhấn mạnh GlobeScribe chú trọng chất lượng, khác với các công cụ miễn phí như ChatGPT hay DeepL.
"Chúng tôi xem dịch như một hình thức nghệ thuật và không có ý định thay thế con người. Người dịch chuyên nghiệp vẫn có chỗ đứng trong ngành, nhất là với những tác phẩm văn học phức tạp. AI nên được đón nhận thay vì lo sợ, nếu dùng đúng cách, nó sẽ hỗ trợ con người trong lĩnh vực sáng tạo", đại diện mô hình này nói thêm.
Dịch giả người Anh Ros Schwartz giữ thái độ lạc quan nhưng vẫn dè chừng trước kỷ nguyên AI. Bà cho rằng sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong ngành sách không thể "dập tắt" đam mê của người dịch. "Chúng tôi dịch vì tác giả và những độc giả luôn mong chờ tác phẩm mới", Schwartz nói.
Việc trí tuệ nhân tạo tham gia lĩnh vực xuất bản trở thành vấn đề tranh luận trong những năm gần đây. Tháng 3, Hội tác giả Anh (SoA) đã kêu gọi chính phủ buộc Meta chịu trách nhiệm việc dùng sách của họ để huấn luyện trái phép mô hình AI Llama 3. Anthropic AI cũng bị kiện với lý do tương tự, song, tại phiên tòa cuối tháng 6, phán quyết của tòa án một phần chấp thuận hành vi mà đơn vị này thực hiện đối với những cuốn sách được mua và quét hợp pháp. Cùng thời điểm, 70 tác giả Mỹ viết thư gửi các nhà xuất bản, yêu cầu không sử dụng AI trong các công đoạn sản xuất sách.
Trái lại, nhiều ý kiến lạc quan về tương lai ngành xuất bản. Ngày 12/3, Sam Altman - CEO của OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT - khiến văn giới xôn xao khi đăng truyện ngắn A machine-shaped hand do AI viết. Trên X, anh nhận xét tác phẩm "truyền tải đúng cảm giác của tiểu thuyết siêu hư cấu". Tại Nhật, tạp chí Kohkoku xuất bản tác phẩm do ChatGPT viết 95%, lấy bối cảnh thế giới sau khi nhân loại tuyệt chủng. Nhà văn Rie Kudan, người hướng dẫn AI và chịu trách nhiệm 5% còn lại, cho biết trải nghiệm sáng tác cùng trí tuệ nhân tạo giúp cô suy ngẫm lại ý nghĩa việc viết truyện hư cấu.
Châu Anh (theo Goodereader, The Bookseller)