Tuyến tàu chở khách giữa Hà Nội, Việt Nam - Nam Ninh, Trung Quốc hoạt động lại vào cuối tháng 5, trong bối cảnh lượng du khách giữa hai nước tăng nhanh cũng như chính sách nới rộng thị thực của hai nước ngày càng cởi mở.
Theo Tân Hoa Xã, chuyến tàu khởi hành từ thành phố Nam Ninh (khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây) đến thủ đô Hà Nội bắt đầu lăn bánh từ 26/5. Tuyến từng được khai thác năm 2009, sau đó dừng vào tháng 2/2020 khi nhiều quốc gia châu Á đồng loạt đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh.
Hành trình 11,5 tiếng được kỳ vọng thúc đẩy dòng khách qua lại giữa hai nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế tới Trung Quốc mà không cần xin visa.
![]() |
Tàu T8701 rời Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, miền nam Trung Quốc đến Hà Nội, Việt Nam ngày 25/5. Ảnh: Xinhua |
Sau dịch, Bắc Kinh mở rộng chính sách miễn thị thực cho công dân nhiều nước như Australia, Singapore và nhiều nước châu Âu nhằm phục hồi ngành du lịch. Steven Zhao, CEO công ty du lịch trực tuyến China Highlights (trụ sở tại Quế Lâm), cho biết lượng khách Việt đang tăng nhanh nhờ kinh tế Việt Nam phát triển mạnh.
"Từ Nam Ninh, khách có thể dễ dàng nối chuyến vào mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc để tới các thành phố được yêu thích như Bắc Kinh hay Thượng Hải", ông nói.
Theo dữ liệu của Statista, khách từ Việt Nam chiếm khoảng 4% tổng lượng khách quốc tế tới Trung Quốc trong năm 2023. Riêng quý III năm nay, khoảng 23.500 lượt khách Việt nhập cảnh, đứng thứ hai sau Hong Kong trong nhóm thị trường ngoài đại lục, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.
Tuyến đường cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhóm du khách Tây ba lô, những người thường đến Hà Nội và có nhu cầu tiếp tục hành trình sang Trung Quốc mà không cần xin visa. Trung Quốc hiện cho phép công dân 38 quốc gia nhập cảnh miễn thị thực với tối đa 30 ngày lưu trú.
![]() |
Tàu liên vận chở khách Việt - Trung chạy về ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 2/2020. Ảnh: Gia Huy |
Dan Martin, cố vấn doanh nghiệp quốc tế tại Dezan Shira & Associates, đánh giá việc nối lại đường tàu là tín hiệu tích cực cho cả chiều khách Trung Quốc sang Việt Nam. "Tại Hà Nội, lượng khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn", ông nói.
Năm 2024, Việt Nam đón hơn 3,7 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 114% so với năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách Trung đến Việt Nam đạt gần 2 triệu lượt, cao nhất trong top các thị trường gửi khách.
Trước khi tuyến tàu nối lại, phần lớn khách Việt đi Trung Quốc lựa chọn đường hàng không giá rẻ, trong khi một số khác đi đường bộ. Tàu liên vận Hà Nội - Nam Ninh mang số hiệu T8701, sử dụng toa giường nằm, là một phần trong nỗ lực mở rộng kết nối đường sắt xuyên biên giới giữa hai nước.
Trung Quốc và Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống đường sắt để phục vụ hoạt động thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo thỏa thuận giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và phía Trung Quốc, tàu liên vận quốc tế MR hoạt động từ ngày 25/5. Tàu MR1 xuất phát từ ga Gia Lâm lúc 21h20 và đến ga Nam Ninh lúc 10h06 hôm sau. Ở chiều ngược lại, tàu MR2 xuất phát từ ga Nam Ninh lúc 18h05 và đến ga Gia Lâm lúc 5h30 hôm sau. Hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh tại ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Hành khách có thể mua vé đi tiếp đến nước thứ ba bằng đường sắt tại các ga liên vận quốc tế trên lãnh thổ Trung Quốc.
Giá vé chặng Hà Nội - Nam Ninh khoảng một triệu đồng, chặng Hà Nội - Bắc Kinh gần 9,4 triệu đồng. Trẻ em dưới 4 tuổi được miễn vé, từ 4 đến 12 tuổi được giảm 50% (mỗi người lớn được kèm một trẻ em), đoàn từ 6 người trở lên được giảm 25%. Hiện, VNR tổ chức bán vé tàu liên vận trực tiếp tại các ga: Hà Nội, Gia Lâm, Bắc Giang và Đồng Đăng.
Anh Minh (Theo SCMP)