Thông báo được Sở Du lịch Hà Nội gửi đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; vận chuyển khách du lịch ngày 7/3. Theo đó, các đơn vị không giới thiệu, tổ chức tour đưa khách đến khu vực này. Đồng thời, nhân viên của các công ty du lịch cần được tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra khi khách đến khu vực kể trên.
Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng có liên quan nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định.
![]() |
Khách quốc tế chụp ảnh tại phố cà phê đường tàu Hà Nội hồi tháng 11/2024. Ảnh: Hoàng Giang
Nhiều đơn vị chuyên dẫn khách inbound (khách quốc tế đến) cho biết "cảm thấy tiếc" vì phố đường tàu là điểm đến thu hút nhiều khách quốc tế nhưng đồng tình và chấp hành với yêu cầu của chính quyền. "Chúng tôi đặt an toàn của du khách lên trên hết", đại diện một đơn vị lữ hành có trụ sở tại phố cổ Hà Nội cho biết.
Nguyễn Anh Tuấn, hướng dẫn viên du lịch 39 tuổi, chuyên dẫn khách Âu - Mỹ, cho biết thường nhận được các yêu cầu của khách dẫn đến phố đường tàu tham quan. Tuy nhiên vì vấn đề an toàn, anh Tuấn thường từ chối khách. Dù vậy, trong lúc chờ làm thủ tục check in xuất cảnh về nước, khách thường khoe với anh Tuấn các bức ảnh họ chụp tại phố đường tàu. "Họ nói họ tự ra trong thời gian trống lịch đi tour", nam hướng dẫn viên người Nam Định cho biết.
Phố cà phê đường tàu nằm tại ba phường Cửa Nam, Hàng Bông và Cửa Đông quận Hoàn Kiếm; được nhiều tờ báo quốc tế đánh giá là điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới Hà Nội. Những hộ dân quanh đây tận dụng không gian của gia đình làm nơi kinh doanh đồ uống và ăn vặt.
Năm 2019, chính quyền TP Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng đường sắt, mất an ninh an toàn trong khu vực. Bảng cấm, rào chắn từng dựng ở nhiều nơi, nhưng khu vực này cứ vãn rồi đông trở lại.
Phương Anh