Bà sống một mình, tự xoay xở mọi thứ từ dọn dẹp, nấu ăn, mua thực phẩm.
Trong khi đó từ đầu tháng 3 Trung tâm dưỡng lão NPO Wakaba ở Tokyo phải đóng cửa. "Nhu cầu tăng nhưng chúng tôi không thể tuyển được nhân viên", giám đốc trung tâm nói. "Chính tôi cũng đã già rồi".
Trong một xã hội siêu già như Nhật Bản, nhân lực là vấn đề nghiêm trọng. Các trung tâm chăm sóc người cao tuổi liên tục phá sản vì không tìm được nhân viên. Năm ngoái, 172 cơ sở phá sản, tăng từ 122 cơ sở của năm 2023. Số người cần chăm sóc đã tăng từ 2,5 triệu năm 2001 lên 7 triệu năm 2023 và hiện nay là 7,1 triệu.
Năm ngoái, cơ sở Doctor House Jardin ở Tokyo bị cáo buộc đóng cửa đột ngột vì không đủ tiền trả lương, nhân viên nghỉ việc. Chính quyền vội tìm chỗ ở cho 94 cư dân giữa cảnh bát đĩa, tã lót chưa dọn.
Ngành dịch vụ trên bờ vực sụp đổ kéo theo những gia đình có người cao tuổi lâm vào khủng hoảng. Năm ngoái đã có khoảng 100.000 người buộc nghỉ việc để ở nhà chăm sóc người thân.
Những bi kịch đau lòng đã xảy ra. Năm ngoái, một đầu bếp 61 tuổi đã nghỉ việc để chăm sóc mẹ 91 tuổi. Bà ngày càng yếu, cần hỗ trợ nhiều hơn, trong khi tiền tiết kiệm cạn dần. Hai mẹ con sống bằng lương hưu nhưng không đủ khi chi phí sinh hoạt liên tục tăng. Người con kiệt sức, không có sự giúp đỡ nên nghĩ quẩn, siết cổ mẹ. Tháng 2 năm nay, ông bị kết án bốn năm tù nhưng tòa án giảm nhẹ hình phạt do hoàn cảnh của bị cáo.
Ở Nhật Bản, kiệt sức do chăm sóc người già ngày càng phổ biến, cứ mỗi 9 ngày lại có một vụ mâu thuẫn của người nhà và người được chăm sóc, một số dẫn đến tự sát.
Nhà xã hội học Shuhei Ito cho rằng Nhật Bản có thể học hỏi Đức, nơi chính phủ trả lương cho người chăm sóc gia đình như nhân viên công chức. "Chính sách này giảm áp lực tài chính, hạn chế những bi kịch xảy ra", ông nói.
Ngọc Ngân (Theo Japan Times)